Quản lý bản thân trước khi quản lý mọi việc

Quản lý bản thân trước khi quản lý mọi việc
Photo by Brett Jordan / Unsplash

Tom là một nhân viên có năng lực nhưng cậu được mọi người miêu tả là "người làm việc theo thời tiết". Vào cao điểm của mùa hè khi mọi việc diễn ra thuận lợi và trôi chảy thì cậu ta bỗng dưng rất siêng năng. Nhưng vào giữa mùa đông, khi mọi thứ đều diễn ra chậm chạp hơn, cậu ta không hoàn thành bất cứ việc gì, mà cứ ngồi chờ đến khi thời tiết tốt hơn mới bắt đầu làm việc.

Sếp của Tom cảm thấy tiếc cho tài năng của cậu vì biết rằng cậu ta sẽ chẳng bao giờ thành công nếu cứ tiếp tục như vậy. Vì vậy, ông đã tìm cách để Tom có thể tự nhận thức được điều này.

Một lần, khi Tom đang ở trong văn phòng của ông, ông hỏi cậu có muốn uống cà phê không, vì ông mới đi công tác về và mua được một loại cà phê rất ngon. Tom trả lời: "Vâng, thế thì tốt quá!". Ông lấy cà phê cho vào phin nhưng cố tình không đặt chiếc cốc bên dưới và bắt đầu rót nước nóng vào. Nước trong phin pha cà phê tràn ra mặt bàn, chảy đầy xuống dưới sàn. Giật mình Tom kêu lên rằng ông đã quên để chiếc cốc bên dưới. Tuy nhiên, ông chủ vẫn thản nhiên rót tiếp như không nghe thấy lời cậu nói.

Cà phê chảy xuống nền nhà và bắn tung toé khắp nơi, bắn cả lên quần áo của Tom và ông. Tom kinh ngạc, hết nhìn xuống vũng cà phê dưới sàn rồi lại nhìn ông. Sếp của Tom lúc này mới ôn tồn bảo: "Cà phê cũng giống như năng lực của cậu, và chiếc cốc thiếu chính là kỷ luật mà cậu không có. Chừng nào cậu không gắn năng lực của mình với kỷ luật làm việc, cậu sẽ chỉ lãng phí tài năng của mình mà thôi. Và cậu sẽ lãng phí cuộc đời của cậu."


Chúng ta, những người đã mạo hiểm bước đi trên con đường trở thành những người hoàn toàn độc lập sẽ bắt gặp những thử thách quan trọng nhất mà một người khi làm chủ hoặc sắp làm chủ sẽ phải vượt qua. Nhờ biết nó ngay từ bây giờ mà chúng ta sẽ không bị bất ngờ và choáng váng sau này.

Bằng việc tự kinh doanh, ta đã bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ làm chủ chính bản thân mình. Nhưng thật không may việc này lại không hề dễ dàng, luôn có những người thất bại khi cố gắng tự lập. Và phần lớn những người này đều là những người khá thành công khi làm việc cho một công ty. Vậy tại sao những người đã làm việc tốt và chăm chỉ nhiều năm cuối cùng lại không thành công khi tách ra làm độc lập? Tại sao những con người đã hỗ trợ người khác trở nên giàu có lại không thể khiến mình trở nên giàu có?

Đó là bởi những người này bị thiếu một vài phẩm chất, mà chỉ khi họ tách ra độc lập chúng mới lộ rõ. Theo thời gian, họ đã hình thành một thói quen mà nó chỉ trở nên có hại khi họ quyết định tự kinh doanh. Họ đã quá quen với việc bị kiểm soát và chỉ đạt được mục tiêu khi chịu những áp lực từ nó, đến mức không còn biết cách phải kiểm soát bản thân mình như thế nào.

Sự thật là hầu hết mọi người sẽ không bao giờ tự kinh doanh được vị họ cần sự kiểm soát và áp lực từ người khác để làm việc kiếm sống. Họ sẽ dễ dàng làm việc hơn khi có ai đó ở sau đốc thúc và giục giã.

Xét cho cùng, thành công hay thất bại luôn luôn là hệ quả trực tiếp từ những thói quen của chúng ta. Nếu muốn hoàn cảnh thay đổi chúng ta phải thay thế những thói quen cũ và xấu bằng những thói quen tốt giúp ta thành công. Thói quen xấu chính là ông chủ tệ nhất của bất kỳ ai.

Vấn đề lớn chính là chúng ta thấy những thói quen xấu ấy cũng chẳng sao cả. Như thể việc ta không đạt được các mục tiêu ngắn hạn trong ngày, trong tuần, trong tháng sẽ không gây nên hậu quả nào nghiêm trọng hết. Cũng có sao đâu khi ta chỉ đặt lịch 9 cuộc hẹn thay vì 10, hoặc ta chỉ kiếm $1.000 thay vì $1.100. Đó vẫn là một kết quả tốt. Và kể cả ta nghỉ hơn 1 tiếng buổi trưa hoặc bắt đầu làm việc lúc 9h30 sáng thay vì 8h sáng theo quy định cũng không có hậu quả gì to tát. Ta không nhận thấy những điều đó ảnh hưởng trực tiếp ra sao đến thu nhập của mình.

Không may là tất cả những việc này đều có tác động nào đó. Nếu nhiều năm sau nhìn lại, ta sẽ thấy những hành động như vậy sẽ có ảnh hưởng cực kỳ lớn bởi nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta không phải nhìn xem những thứ gì lờ mờ đang nằm ở xa phía trước, mà chính là thực hiện việc cần phải làm ngay lúc này. Thực tế, điều này sẽ quyết định ta sẽ sống cuộc đời tầm thường hay trở thành một người hạnh phúc, giàu có và thành công.

💡
Nếu chúng ta muốn trở nên giàu có, việc cố làm tốt những việc cực khó không quan trọng bằng hoàn thành xuất sắc những công việc hàng ngày.

Hạnh phúc là khi ta phát triển tính kỷ luật buộc bản thân phải thực hiện những việc nên làm nhiều hơn để có thể làm nhiều việc chúng ta muốn hơn. Đó là cách để có niềm tin vào chính mình. Niềm tin rằng bản thân ta có thể hoàn thành tất cả những gì đã đặt ra.

Vấn đề là làm thế nào ta có thể có được tính kỷ luật tuyệt đối cần thiết này. Câu trả lời là: Ta phải vừa là ông chủ vừa là nhân viên của chính mình. Ta phải làm việc như thể là một nhân viên và đồng thời là một ông chủ giám sát chính mình. Là một người tự kinh doanh, ta phải đảm nhiệm cùng lúc 2 vai trò: người quản lý và công nhân. Ta phải là người tạo dựng chiến lược, đồng thời là người thực thi nó từ đầu đến cuối.

Khoảnh khắc đưa ra mệnh lệnh, ta phải biết trước rằng người sẽ thực hiện nó chính là ta. Ta phải nghiêm khắc với chính mình. Không nên để bất cứ thứ gì ngăn cản ta thực hiện kế hoạch đã vạch sẵn. Ông chủ trong ta phải loại bỏ mọi thói quen có hại mà gã nhân viên trong ta đã hình thành trong nhiều năm.

Nếu vừa là ông chủ, vừa là nhân viên ta phải đặc biệt loại bỏ một thói quen xấu đó là: lừa dối bản thân. Ta ngồi một xó, ấp ủ kế hoạch và kể lể thay vì xốc tới và hành động chỉ đang tự lừa dối chính bản thân mình mà thôi. Ta rất dễ nhầm lẫn giữa việc trở nên bận rộn với làm việc để tiến bộ. Ta có thể dễ dàng lừa gạt bản thân mình bằng cách trở nên bận rộn cả ngày. Thế nhưng, bận rộn với cái gì?

Để tránh việc lừa dối chính mình, ông chủ trong ta nên tự hỏi mình mỗi tối, "Kết quả hữu ích mình đạt được trong ngày hôm nay là gì?". Ta đax làm việc gì quan trọng để có thể tạo ra thu nhập và ta đã đạt được kết quả cụ thể nào?

Lưu ý rằng, trong khi trả lời câu hỏi này, điều ta làm ngày hôm qua, 6 tháng trước, hay 5 năm trước không quan trọng. Và việc ta sẽ làm vào ngày mai hay 3 tuần tới "khi hoàn cảnh đã khác" cũng không quan trọng. Điều quan trọng là: ta đã làm gì hôm nay? Đó là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến tương lai của ta.

Ta phải thành thật với chính bản thân mình về những gì đã làm được và chưa làm được. Những lời hứa bị phá vỡ thường xuyên nhất thường là ta tự hứa với bản thân. Nếu kế hoạch và sự kiểm soát chỉ nằm trong suy nghĩ, ta rất dễ cảm thấy mình đã làm được rất nhiều việc. Khi tự vấn xem mình đã hoàn thành việc gì ngày hôm nay, lương tâm của ta sẽ không trả lời thành thực. Câu trả lời sẽ không đúng và có tính bao biện. Đó là bản chất con người.

Chỉ có duy nhất một cách để tránh tự dối mình là ta phải ghi chép lại tất cả những hoạt động tạo ra thu nhập cho hiện tại hoặc tương lai, những kết quả đạt được và ả những sự chuẩn bị của ta. Vì nếu chỉ giữ chúng trong đầu, tâm trí của ta có thể thay đổi những thứ này và bẻ cong chúng cho đến khi cảm thấy phù hợp. Tuy nhiên, bút sa gà chết. Dù ta đã làm hay chưa làm, nếu nhìn thấy chúng trên giấy trắng mực đen, thì không có gì phải bàn cãi nữa.

Hơn nữa, làm sao ta có thể đặt ra mục tiêu cho ngày mai khi ta không biết hôm nay đã hoàn thành những việc gì? Làm thế nào ta có thể quản lý được tổ chức khi không thể quản lý chính mình? Làm sao ta có thể mong muốn phát triển công ty khi không hiểu mối quan hệ giữa hành động và kết quả?

Những người thành công luôn vừa làm ông chủ và vừa làm nhân viên. Để tránh lừa gạt bản thân ta nên viết ra tất cả những thứ mà ta muốn tự làm chủ.

Hầu hết mọi người đều thích tự làm hư mình bằng những lời khen ngợi thay vì muốn trưởng thành thông qua phê phán. Những người thành công có thể kiểm soát chính họ. Họ thành thật với chính mình ngay cả khi nó gây đau đớn.

THỰC HÀNH – Hôm nay, tôi sẽ thực hiện những điều sau để rèn luyện bản thân vừa là ông chủ vừa là nhân viên:

01 - Tự do không phải là có thể làm hoặc không làm những gì mà tôi muốn, tự do là tuân thủ kỷ luật để hoàn thành những gì tôi đặt ra. Tôi biết rằng việc có thể trở thành một người thành công hay không, phụ thuộc vào việc tôi có thể hình thành được tính kỷ luật hay không. Tôi sẽ nỗ lực phát triển phẩm chất này. Hôm nay, tôi sẽ nhất nhất làm theo các kế hoạch của mình.

02 - Tôi sẽ nghiêm khắc với bản thân. Tôi không thấy có lý do nào khiến tôi làm việc cho người khác chăm chỉ hơn làm việc cho chính bản thân mình. Tôi biết rất rõ rằng nếu tôi không thể kiểm soát bản thân thì những người khác sẽ kiểm soát tôi. Hoặc tôi nghe lời chính mình hoặc tôi phải nghe lời người khác mà không có lựa chọn nào khác.

03 - Sau mỗi ngày làm việc, tôi sẽ xem xét khách quan các kết quả đã đạt được. Cũng giống như tất cả những người khác, bản chất của con người, tôi có xu hướng lừa dối bản thân, bởi thế tôi sẽ viết ra tất cả kết quả, hoạt động tạo ra thu nhập và những sự chuẩn bị của tôi.

04 - Bởi không ai có thể nhất nhất duy trì kỷ luật suốt cả cuộc đời nên tôi sẽ lên kế hoạch cho "một ngày rong chơi" sau mỗi 2 tuần. Trong ngày này, tôi sẽ làm những gì mà mình muốn, ăn những gì mà mình thích và ngủ chừng nào tôi muốn. Tôi sẽ tạm xa rời kỷ luật và điều này hoàn toàn tự nhiên vì nó nằm trong kế hoạch của tôi. Rồi những ngày sau đó, tôi lại tuyệt đối tuân thủ kỷ luật. Nếu tôi thấy mình yếu đuối và không tiếp tục tuân thủ kỷ luật, tôi sẽ nhớ rằng "một ngày rong chơi" tiếp theo đang tới gần. Nó cho tôi sức mạnh để tuân thủ kỷ luật.

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!