Sự cám dỗ của những mục đích sai lầm

Sự cám dỗ của những mục đích sai lầm
Photo by Kenny Eliason / Unsplash

Trong quá trình tìm kiếm mục đích sống của mình, một lúc nào đó trong cuộc sống chúng ta sẽ bị lôi cuốn bởi những mục đích sai lầm. Vậy đâu là lý do? Và chúng ta phải làm gì?

Lực hấp dẫn khiến chúng ta tìm kiếm mục đích đến từ hai yếu tố. Đầu tiên, chúng ta cần có một phương tiện để có được một ý thức về phương hướng, một cách thức để hướng dẫn hành vi của chúng ta. Thứ hai, con người nhận thức được sự nhỏ bé của mình như là những cá thể trong một thế giới có nhiều tỷ cá thể khác trong một vũ trụ rộng lớn. Chúng ta có ý thức về cái chết của mình, và việc cuối cùng chúng ta sẽ bị nuốt chửng trong cõi vĩnh hằng ra sao. Chúng ta cần cảm thấy mình lớn lao hơn chứ không chỉ là những cá thể được kết nối với thứ gì đó vượt xa chúng ta.

Tuy nhiên theo bản chất của con người, nhiều người tìm cách tạo ra mục đích và một cảm giác siêu việt rẻ tiền, tìm thấy nó theo cách dễ dàng và dễ tiếp cận nhất, với ít nỗ lực nhất. Những người như vậy đã tự đặt ra cho mình những mục đích sai lầm, vốn chỉ cung cấp ảo tưởng về mục đích và sự siêu việt. Chúng ta có thể đối chiếu chúng với mục đích thật sự theo cách sau:

Mục đích thật sự đến từ bên trong – đó là một ý tưởng, một tiếng gọi, một ý thức về sứ mệnh mà với nó chúng ta cảm thấy được kết nối một cách cá nhân và mật thiết; nó là của riêng chúng ta; có thể chúng ta được truyền cảm hứng từ những người khác, nhưng không ai áp đặt nó lên chúng ta và không ai có thể lấy nó đi; chúng ta trải qua sự xem xét nội tâm nghiêm ngặt và hướng niềm tin của chúng ta vào bên trong, sống thật với chính mình. Trong khi những mục đích sai lầm đến từ các nguồn bên ngoài – những hệ thống niềm tin mà chúng ta đã hấp thụ, tuân theo những gì người khác đang làm.

Mục đích thật sự dẫn chúng ta đi lên, đến một cấp độ con người hơn. Chúng ta cải thiện những kỹ năng và mài giũa tâm trí của mình; chúng ta nhận ra tiềm năng của mình và đóng góp cho xã hội. Mục đích sai lầm dẫn xuống phía dưới, về phía động vật của bản chất của chúng ta – tới những chứng nghiện ngập, mất năng lực tinh thần, sự tuân thủ dại dột và sự hoài nghi.

Điều quan trọng là chúng ta nhận thức được những hình thức mục đích sai lầm này. Một lúc nào đó trong cuộc sống, tất cả chúng ta không thể tránh khỏi việc bị chúng lôi cuốn vì chúng rất dễ dàng, phổ biến và thấp kém. Nếu có thể loại bỏ sự thúc đẩy về phía các hình thức thấp hơn này, tự nhiên chúng ta sẽ bị hút về phía cao hơn, trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa và mục đích không thể tránh khỏi của chúng ta.

Dưới đây là 5 hình thức phổ biến nhất của mục đích sai lầm vốn đã lôi cuốn con người kể từ buổi đầu của nền văn minh.

Theo đuổi lạc thú

Đối với nhiều người trong chúng ta, công việc chỉ là một nhu cầu khó chịu của cuộc sống. Điều thật sự thúc đẩy chúng ta là tránh đau đớn, và tìm thấy càng nhiều lạc thú càng tốt trong thời gian ngoài công việc. Những lạc thú mà chúng ta theo đuổi có thể có nhiều hình thức khác nhau - tình dục, chất kích thích, giải trí, ăn uống, mua sắm, cờ bạc, mốt công nghệ, và đủ loại trò chơi.

Bất kể các đối tượng của sự theo đuổi này là gì, chúng có xu hướng dẫn đến một động lượng của quy luật hiệu suất giảm dần. Những khoảnh khắc vui thú mà chúng ta có được có xu hướng trở nên buồn tẻ hơn thông qua sự lặp lại. Chúng ta cần càng lúc càng nhiều hơn cùng một lạc thú đó hoặc liên tục chuyển hướng sang những lạc thú mới. Nhu cầu của chúng ta thường biến thành một chứng nghiện, và cùng với sự phụ thuộc là tình trạng giảm sút sức khỏe và sức mạnh tinh thần. Chúng ta bị chiếm hữu bởi những đối tượng mà chúng ta khao khát và đánh mất chính mình. Chẳng hạn, dưới ảnh hưởng của ma túy hoặc rượu, chúng ta có thể tạm thời cảm thấy được đưa ra khỏi cuộc sống nhạt nhẽo.

Hình thức mục đích sai lầm này rất phổ biến trong thế giới ngày nay, phần lớn là do sự phong phú đa dạng của những thứ gây phân tâm mà chúng ta có thể lựa chọn. Nhưng nó trái ngược với một yếu tố cơ bản của bản chất con người: Để có những cấp độ vui thú sâu sắc hơn, chúng ta phải học cách giới hạn bản thân. Việc liên tiếp đọc nhanh nhiều loại sách khác nhau để giải trí dẫn đến cảm giác hài lòng giảm dần với mỗi cuốn sách; tâm trí của chúng ta choáng ngợp và bị kích thích quá mức; và chúng ta phải lập tức tìm tới một cuốn sách mới. Việc đọc một cuốn sách tốt và đặt hết tâm trí vào nó có tác dụng thư giãn và nâng cao tinh thần khi chúng ta khám phá ra sự phong phú tiềm ẩn trong đó. Trong những khoảnh khắc khi không đọc, chúng ta cũng vẫn suy nghĩ về cuốn sách đó.

Tất cả chúng ta đều cần có những khoảnh khắc thú vị bên ngoài công việc, những cách thức để giảm bớt căng thẳng. Nhưng khi hoạt động với ý thức về mục đích, chúng ta biết giá trị của việc giới hạn bản thân, lựa chọn trải nghiệm có chiều sâu thay vì sự kích thích quá mức.

Những mục tiêu vụn vặt và những sự sùng bái

Mọi người có một nhu cầu sâu sắc đối với việc tin tưởng vào một điều gì đó, và không có những hệ thống niềm tin lớn hợp nhất, khoảng trống này dễ dàng được lấp đầy bởi tất cả các loại mục tiêu vụn vặt và các loại sùng bái. Chúng ta nhận thấy rằng những nhóm như vậy có xu hướng tồn tại không lâu lắm. Trong vòng mười năm, chúng sẽ trở nên lỗi thời. Trong sự tồn tại ngắn ngủi của chúng, những tín đồ của chúng sẽ thay thế niềm tin và sự tin tưởng cực đoan bằng một cái nhìn rõ ràng về thứ họ đang theo đuổi. Vì mục đích này, họ nhanh chóng tìm ra những kẻ thù và xem những kẻ thù đó là nguồn gốc của tất cả những gì sai trái trên thế giới. Những nhóm như vậy trở thành phương tiện để mọi người giải tỏa những bực bội, đố kỵ và thù hận cá nhân của họ. Họ cũng cảm thấy vượt trội, với tư cách là một phần của một phe nhóm nào đó với khả năng đặc biệt trong việc tiếp cận chân lý.

Chúng ta có thể nhận ra một mục tiêu vụn vặt hoặc sự sùng bái bởi sự mơ hồ của điều mà các môn đồ của nó mong muốn. Họ không thể mô tả loại thế giới hoặc xã hội mà họ mong muốn một cách cụ thể, thiết thực. Phần lớn lẽ sống của họ xoay quanh những xác lập tiêu cực – hãy loại bỏ những người này hoặc những thực hành kia và thế giới sẽ trở thành một thiên đường. Họ không có ý thức về chiến lược hoặc các cách thức rõ ràng để đạt được những mục tiêu mù mờ của họ, đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhóm của họ chỉ đơn thuần hướng tới việc giải phóng cảm xúc.

Thông thường các nhóm như vậy sẽ phụ thuộc vào những cuộc tụ tập công cộng lớn, trong đó mọi người có thể trở nên say sưa với những con số và cảm xúc chung. Trong suốt lịch sử, những nhà cai trị khôn ngoan đã tận dụng rất hiệu quả điều này. Mọi người trong một đám đông rất dễ bị ám thị. Thông qua các cụm từ ngắn gọn, đơn giản, với rất nhiều sự lặp lại, người ta có thể thúc đẩy họ hô vang những câu khẩu hiệu và nuốt chửng những ý tưởng thiếu sáng suốt và phi lý nhất. Trong một đám đông, mọi người có thể cảm thấy được giải phóng khỏi bất kỳ trách nhiệm cá nhân nào, và điều này có thể dẫn đến bạo lực. Họ cảm thấy được đưa ra khỏi bản thân và không còn quá nhỏ bé, nhưng sự khuếch đại đó chỉ là một ảo ảnh. Thật ra họ đã bị thu nhỏ lại do đánh mất ý chí và tiếng nói cá nhân của họ.

Việc tự liên kết bản thân với một mục tiêu có thể là một phần quan trọng trong ý thức của chúng ta về mục đích. Nhưng nó phải xuất hiện từ một quá trình nội tại trong đó chúng ta đã suy tư sâu sắc về chủ đề này và cam kết với mục tiêu đó như một phần công việc của cuộc đời chúng ta. Chúng ta không đơn giản là một bánh răng trong bộ máy của một nhóm như vậy mà là những người đóng góp tích cực, đưa sự độc đáo của mình vào cuộc chơi và không bắt chước theo đám đông. Chúng ta không tham gia vì nhu cầu nhằm thỏa mãn cái tôi của mình hoặc để giải tỏa những cảm xúc xấu xa, mà là vì sự khao khát công lý và sự thật nảy sinh từ sâu bên trong ý thức về mục đích của chúng ta.

Tiền bạc và Thành công

Đối với nhiều người, việc theo đuổi tiền bạc và địa vị có thể cung cấp cho họ nhiều động lực và sự tập trung. Những dạng người này sẽ coi việc tìm ra tiếng gọi trong cuộc đời của họ là một sự lãng phí thời gian và một ý niệm lỗi thời. Nhưng về lâu về dài triết lý này thường mang lại những kết quả không thiết thực nhất.

Trước hết, rất thông thường những dạng người này chọn lĩnh vực mà họ có thể kiếm được nhiều tiền nhất và nhanh nhất. Họ nhắm đến mức lương lớn nhất. Sự lựa chọn nghề nghiệp của họ không có liên quan gì hoặc chỉ có liên quan chút ít với những khuynh hướng thật sự của họ. Các lĩnh vực họ chọn sẽ có xu hướng đông nghẹt những tay thợ săn tiền bạc và thành công tham lam vô độ khác, và vì vậy sự cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu đủ nhiệt tình, họ có thể làm khá tốt trong một thời gian; nhưng khi lớn tuổi hơn, họ bắt đầu cảm thấy bồn chồn và hơi chán nản. Họ thử những con đường khác nhau vì tiền bạc và sự thành công; họ cần những thách thức mới. Họ phải tiếp tục tìm cách thúc đẩy bản thân. Họ thường phạm những sai lầm lớn trong việc theo đuổi tiền bạc một cách ám ảnh vì suy nghĩ của họ rất ngắn hạn, như chúng ta đã thấy ở tất cả những kẻ lao vào cuộc chơi tài chính điên cuồng dẫn đến vụ sụp đổ năm 2008.

Thứ hai, tiền bạc và sự thành công lâu dài đến từ việc giữ nguyên sự độc đáo của mình và không bận tâm đi theo con đường mà những người khác đang đi theo. Nếu biến việc kiếm tiền thành mục tiêu chính của mình, chúng ta không bao giờ thật sự vun bồi sự độc đáo của mình, và cuối cùng ai đó trẻ hơn và nhiều tham vọng hơn sẽ hất cẳng chúng ta.

Và cuối cùng, điều thường thúc đẩy mọi người trong cuộc tìm kiếm này chỉ đơn giản là có nhiều tiền và địa vị hơn những người khác, và cảm thấy vượt trội. Với tiêu chuẩn đó, khó mà biết được khi nào họ có đủ, bởi vì luôn có những người có nhiều hơn. Và vì vậy, cuộc tìm kiếm đó kéo dài vô tận và gây kiệt sức. Và do mối liên kết với công việc của họ không mang tính cá nhân, những người như vậy trở nên xa lạ với chính mình; mưu cầu của họ thiếu sức sống; họ là những kẻ nghiện công việc mà không có một tiếng gọi thật sự. Họ có thể trở nên trầm cảm hoặc hưng cảm, và thông thường họ sẽ đánh mất những gì họ đã đạt được nếu họ trở nên hưng cảm quá mức.

Tất cả chúng ta đều biết những kết quả của “dự định thái quá” (hyper-intention): Nếu muốn và rất cần ngủ, có nhiều khả năng chúng ta sẽ không sao chợp mắt được. Nếu nhất thiết phải phát biểu càng hay càng tốt trong một cuộc hội nghị nào đó, chúng ta trở nên lo lắng quá mức về kết quả, và việc phát biểu sẽ bị ảnh hưởng. Nếu rất cần tìm một người bạn đời thân thiết hoặc cần kết bạn, chúng ta có khả năng đẩy họ ra xa nhiều hơn. Nếu thay vì thế chúng ta thư giãn và tập trung vào những thứ khác, chúng ta có nhiều khả năng ngủ thiếp đi hoặc phát biểu rất tuyệt hoặc lôi cuốn mọi người. Những điều thú vị nhất trong cuộc sống xảy ra như là kết quả của một điều gì đó không được dự định và mong đợi một cách trực tiếp. Khi cố gắng tạo ra những khoảnh khắc hạnh phúc, chúng có xu hướng làm cho chúng ta thất vọng.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với việc kiên trì theo đuổi tiền bạc và sự thành công. Nhiều trong số những người thành công, nổi tiếng, và giàu có nhất không bắt đầu bằng nỗi ám ảnh về tiền bạc và địa vị. Một ví dụ điển hình là Steve Jobs, kẻ đã kiếm được khá nhiều tiền trong cuộc đời tương đối ngắn của mình. Thật sự ông rất ít quan tâm đến của cải vật chất. Trọng tâm duy nhất của ông là tạo ra những thiết kế độc đáo nhất và tốt nhất, và khi ông làm điều này, vận may đã đi theo ông. Hãy tập trung vào việc duy trì ý thức cao về mục đích, và thành công sẽ chạy tới bạn một cách tự nhiên.

Danh vọng và Sự chú ý

Mọi người luôn theo đuổi danh vọng và sự chú ý như một cách để cảm thấy mình được là người lớn lao và quan trọng hơn. Họ trở nên phụ thuộc vào số lượng người vỗ tay, quy mô của quân đội mà họ chỉ huy, đám đông triều thần đang phục vụ họ. Nhưng ý thức sai lầm về mục đích này đã trở nên phổ biến và lan rộng thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Giờ đây hầu như bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể có được sự chú ý mà các vị vua và kẻ chinh phục trong quá khứ chỉ có thể mơ ước.

Tự nhận thức về bản thân và lòng tự trọng của chúng ta trở nên gắn liền với sự chú ý mà chúng ta nhận được hằng ngày. Trong phương tiện truyền thông xã hội, điều này thường đòi hỏi việc ngày càng trở nên thái quá để thu hút sự chú ý. Đó là một cuộc tìm kiếm mệt mỏi và khiến cho mọi người trở nên xa lánh bạn khi chúng ta trở thành một anh hề chứ không phải bất cứ thứ gì khác. Và mỗi khoảnh khắc mà sự chú ý hơi giảm đi, lòng chúng ta cồn cào một nỗi đau day dứt: Có phải chúng ta đang đánh mất nó? Ai đang thu hút mất dòng chảy chú ý vốn là của chúng ta?

Như với tiền và sự thành công, chúng ta có một cơ hội lớn hơn nhiều để thu hút sự chú ý bằng cách phát triển một ý thức cao về mục đích và tạo ra một công việc vốn sẽ thu hút mọi người tới một cách tự nhiên. Khi sự chú ý có tính cách bất ngờ, như với sự thành công mà chúng ta đột nhiên có được, nó mang lại niềm vui thú lớn hơn nhiều.

Không mục đích

Theo Friedrich Nietzsche, “Con người thà xem sự trống rỗng như là mục đích còn hơn là trống rỗng không có mục đích nào”. Sự hoài nghi, cảm giác rằng không có mục đích hay ý nghĩa nào trong cuộc sống, là cái mà được gọi là “sự trống rỗng như là mục đích”. Trong thế giới ngày nay, mục đích sai lầm này đang ngày càng trở nên phổ biến.

“Sự trống rỗng như là mục đích” này liên quan tới một số hoặc tất cả các niềm tin sau đây: Cuộc sống là phi lý, vô nghĩa và ngẫu nhiên. Những tiêu chuẩn của sự thật, sự xuất sắc hoặc ý nghĩa là hoàn toàn lỗi thời. Tất cả mọi thứ chỉ là tương đối. Những phán đoán của mọi người chỉ đơn giản là những diễn dịch về thế giới, không diễn dịch nào tốt hơn diễn dịch nào. Mọi chính khách đều đồi bại, vì vậy, chính trị thật sự không đáng để tham gia; tốt hơn nên tránh xa nó hoặc chọn một nhà lãnh đạo mà người này sẽ cố tình xô đổ tất cả. Những người thành công đạt được điều đó thông qua việc thao túng hệ thống. Bất kỳ hình thức thẩm quyền đều không đáng tin một cách tự nhiên. Cứ nhìn phía sau những động cơ của mọi người và bạn sẽ thấy rằng họ ích kỷ. Thực tại rất tàn bạo và xấu xa; tốt hơn nên chấp nhận điều này và cứ hoài nghi. Thật sự rất khó để xem bất kỳ vấn đề gì là nghiêm trọng; chúng ta chỉ nên cười to và vui vẻ. Tất cả đều như nhau.

Thái độ này tự biểu hiện chính nó như là sự điềm tĩnh và hợp thời. Các tín đồ của nó thể hiện một dáng vẻ thờ ơ và mai mỉa, tạo cho họ vẻ ngoài trông như thể họ nhìn xuyên qua tất cả. Nhưng thái độ này không như vẻ ngoài của nó. Đằng sau điệu bộ không quan tâm giả tạo kia là nhằm che đậy một nỗi sợ hãi lớn lao đối với việc cố gắng và thất bại, nổi bật và bị chế giễu. Nó bắt nguồn từ sự lười biếng tuyệt đối và mang đến cho các tín đồ của nó niềm an ủi cho sự thiếu thành tựu của họ.

Chúng ta cần di chuyển theo hướng ngược lại. Thực tại không tàn bạo và xấu xa – nó chứa đựng nhiều thứ phi thường, đẹp đẽ và đáng ngạc nhiên. Chúng ta nhìn thấy điều này trong những công trình lớn của những người thành tựu khác. Chúng ta muốn cảm nhận được Sự siêu phàm, không có gì đáng kinh ngạc hơn bộ não của con người – sự phức tạp của nó, tiềm năng chưa được khai thác của nó. Chúng ta muốn nhận ra một số tiềm năng đó trong cuộc sống của mình, chứ không phải đắm chìm trong thái độ biếng lười yếm thế. Chúng ta nhìn thấy một mục đích ở phía sau mọi thứ mà chúng ta trải nghiệm và nhìn thấy. Cuối cùng, điều chúng ta muốn là hợp nhất sự tò mò và hứng thú mà chúng ta từng có đối với thế giới khi còn là một đứa trẻ, khi hầu hết mọi thứ đều có vẻ mê hoặc, với trí thông minh trưởng thành của chúng ta.

Toàn bộ quy luật tồn tại của con người không là gì khác ngoài việc con người luôn có thể cúi đầu trước sự vĩ đại vô hạn. Nếu con người bị tước đoạt mất sự vĩ đại vô hạn này, họ sẽ không muốn sống nữa và sẽ chết trong tuyệt vọng. Sự vô hạn và vô tận cũng cần thiết cho con người không kém cái hành tinh nhỏ mà y đang cư ngụ – Fyodor Dostoyevsky.

Nguồn: Tổng hợp từ sách

"Nếu có được sự hiểu biết, bạn sẽ có mọi thứ khác!" – Solomon


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!