Sự tốt lành của vàng

Sự tốt lành của vàng
Photo by Zlaťáky.cz / Unsplash

Uy tín của đồng tiền kim loại ở Rome mạnh mẽ đến mức thậm chí ở bên ngoài biên giới của Đế chế, người dân cũng rất vui khi được trả bằng những đồng denarius.

Vào thế kỷ 1, những đồng tiền La Mã được chấp nhận làm phương tiện trao đổi tại các khu chợ ở Ấn Độ, mặc dù quân đoàn La Mã gần nhất cũng cách đó hàng ngàn cây số. Người Ấn Độ có sự tin tưởng mạnh mẽ vào đồng denarius và hình tượng của Hoàng đế La Mã tới mức khi giới cai trị ở bản địa cho đúc những đồng tiền kim loại riêng, họ bắt chước y hệt đồng denarius, thậm chí cả chân dung của Hoàng đế La Mã!

“Denarius” trở thành danh từ chung để chỉ tiền kim loại. Những khalip Hồi giáo đã Ả-rập hoá cái tên này và phát hành đồng “dinar”. Cho đến nay, dinar vẫn là tiền tệ chính thức tại Jordan, Serbia, Macedonia, Tunisia và một vài quốc gia khác.

Khi kiểu tiền đúc mang phong cách Lydia đang lan từ Địa Trung Hải đến vùng biển Ấn Độ Dương, Trung Hoa cũng phát triển một hệ thống tiền tệ hơi khác một chút, dựa trên những đồng xu bằng đồng và những thỏi vàng, thỏi bạc không khắc. Tuy thế, hai hệ thống tiền tệ này cũng có nhiều điểm giống nhau (đặc biệt là sự phụ thuộc vào vàng và bạc) tới mức những quan hệ tiền tệ và thương mại đã được hình thành giữa khu vực Trung Hoa và khu vực Lydia.

Nhà buôn và những kẻ chinh phạt người châu Âu và Hồi giáo dần truyền bá hệ thống Lydia và sự tốt lành của vàng đến những xó xỉnh xa xôi nhất trên Trái đất. Vào cuối kỷ nguyên hiện đại, toàn thế giới là một khu vực tiền tệ duy nhất, trước hết dựa vào vàng và bạc, sau đó dựa vào một vài tiền tệ được tin tưởng như đồng bảng Anh và đồng đô-la Mỹ.

Sự xuất hiện của một khu vực tiền tệ xuyên quốc gia và xuyên văn hoá duy nhất đã đặt nền móng cho sự thống nhất của lục địa Á- Phi, và cuối cùng là toàn cầu, thành một khối chính trị và kinh tế duy nhất. Con người vẫn nói những ngôn ngữ bất đồng với nhau, tuân theo những quy tắc khác nhau và thờ phụng những vị Chúa riêng của mình, nhưng tất cả đều tin tưởng vào vàng bạc và tiền bằng vàng và bạc.

Nếu như không có niềm tin chung này, thì các mạng lưới giao thương toàn cầu sẽ gần như không thể hoạt động được. Vàng bạc mà những nhà chinh phục thế kỷ 16 tìm thấy ở châu Mỹ đã tạo điều kiện cho các nhà buôn châu Âu có thể mua lụa, đồ sành sứ và gia vị tại Đông Á, nhờ đó giúp chuyển động những bánh xe phát triển kinh tế tại cả châu Âu và Đông Á.

Vàng bạc được khai thác ở Mexico và vùng Andes đã vuột khỏi tay của người châu Âu để tìm đến mái nhà chào đón nó, trong những chiếc ví của các nhà sản xuất tơ lụa và đồ sứ Trung Hoa. Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế toàn cầu, nếu như người Trung Quốc không phải chịu “căn bệnh của trái tim” đã hành hạ Cortés và những người đồng hành của ông – và từ chối chấp nhận trả bằng vàng và bạc?

Và còn nữa, tại sao người Trung Hoa, Ấn Độ, Hồi giáo và Tây Ban Nha thuộc những nền văn hoá rất khác nhau, đã thất bại trong việc thỏa thuận về nhiều thứ – lại cùng chia sẻ niềm tin vào vàng? Tại sao không xảy ra chuyện người Tây Ban Nha tin vào vàng, trong khi người Hồi giáo tin vào lúa mạch, người Ấn Độ tin vào những đồng tiền vỏ ốc, và người Trung Hoa tin vào những súc lụa?

Các nhà kinh tế học đã có sẵn câu trả lời. Một khi thương mại liên kết hai khu vực, những lực cung và cầu sẽ có xu hướng cân bằng giá cả của những loại hàng hoá có thể vận chuyển được. Để hiểu được tại sao, hãy xem xét một tình huống giả định. Giả sử rằng, khi giao thương thường xuyên được mở ra giữa Ấn Độ và Địa Trung Hải, người Ấn Độ không quan tâm đến vàng, và vì vậy vàng gần như không có giá trị. Nhưng ở Địa Trung Hải, vàng là một biểu tượng của địa vị xã hội cao được thèm muốn, vì vậy giá trị của nó rất lớn. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Những nhà buôn qua lại giữa Ấn Độ và vùng Địa Trung Hải sẽ nhận ra sự chênh lệch trong giá trị của vàng ở hai nơi này. Để thu lợi, họ sẽ mua vàng với giá rẻ mạt ở Ấn Độ và bán nó với giá cắt cổ ở Địa Trung Hải. Kết quả là, nhu cầu về vàng ở Ấn Độ sẽ tăng vùn vụt, cũng như giá trị của nó. Cùng lúc đó, Địa Trung Hải trải qua cơn lốc vàng tràn vào xứ này, kết quả là giá vàng sẽ bị giảm xuống. Trong một thời gian ngắn, giá vàng ở Ấn Độ và Địa Trung Hải sẽ khá tương đương nhau. Chỉ cần người Địa Trung Hải tin vào vàng cũng đủ để người Ấn Độ bắt đầu tin vào nó. Thậm chí nếu người Ấn Độ vẫn không sử dụng vàng trong thực tế, thì việc người Địa Trung Hải muốn vàng cũng đủ để người Ấn Độ coi trọng nó.

Tương tự, nếu một người khác tin tưởng vào tiền vỏ ốc hay đồng đô-la hay dữ liệu điện tử, thì cũng đủ để củng cố niềm tin của chúng ta đối với chúng, kể cả người đó có bị chúng ta căm ghét, coi thường hay nhạo báng. Những người không thể đồng thuận về tín ngưỡng, vẫn có thể đồng thuận về tiền, bởi trong khi tôn giáo đòi hỏi chúng ta phải tin vào thứ gì đó, thì tiền lại đòi hỏi chúng ta phải tin rằng những người khác tin vào thứ gì đó.

Trong hàng ngàn năm, các triết gia, nhà tư tưởng và nhà tiên tri đã bôi nhọ đồng tiền và gọi nó là cội rễ của mọi điều xấu xa. Dù thế nào đi nữa, tiền vẫn là đỉnh cao của lòng khoan dung của loài người. Tiền có cái nhìn cởi mở hơn so với ngôn ngữ, luật pháp quốc gia, mật mã văn hoá, tín ngưỡng và các thói quen xã hội. Tiền là hệ thống niềm tin duy nhất được con người tạo ra, có thể là cầu nối cho hầu hết các khoảng cách về văn hoá, và nó không phân biệt đối xử dựa trên nền tảng tôn giáo, giới tính, chủng tộc, tuổi tác hay khuynh hướng tình dục. Nhờ có tiền, những người không biết nhau và không tin tưởng vào nhau vẫn có thể hợp tác hiệu quả.

Nguồn: Tổng hợp từ sách

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!