Tập trung vào những việc tạo ra thu nhập

Tập trung vào những việc tạo ra thu nhập
Photo by Austin Distel / Unsplash

Một ngày nọ, một thanh niên trẻ với lòng khao khát muốn trở nên giàu có đến gặp nhà thông thái hỏi rằng: "Làm sao ông có thể biết được giá trị của một con người?"

Nhà thông thái liền chỉ một cái cây và hỏi lại chàng trai trẻ và hỏi lại: "Đây là cái gì?"

"Một cây dại ạ!", cậu trả lời.

Nhà thông thái hỏi tiếp: "Cái cây có quả không?"

Chàng trai trẻ ngạc nhiên và vội đáp: "Không ạ, nó không có quả nào hết."

Lúc này, người thầy thông thái mới nghiêm giọng nói: "Thế thì cái cây đó là vô dụng và không được phép ở trong vườn. Hãy chặt nó đi!"

Người ta trả tiền cho chúng ta theo giá trị mà ta mang lại với tư cách là một người tham gia vào thị trường lao động. Chúng ta sẽ chỉ được trả cho điều đó thôi.

Nhà tư bản W.Clement Stone từng nói: "Tôi đã làm quen với việc đánh giá người khác chỉ dựa trên kết quả mà họ tạo ra. Các kết quả có giá trị hơn rất nhiều những lợ hoa mỹ."

Sẽ luôn có những cá nhân khẳng định rằng họ đáng nhận được nhiều hơn rất nhiều những gì họ đang được trả. Điều này cũng tốt thôi, nhưng thị trường thì luôn công bằng, nó cho mọi người cơ hội để chứng minh lời khẳng định đó. Sự thật là thị trường trả cho mỗi chúng ta dựa trên giá trị mà ta mang lại. Và chỉ ta mới có thể xác định giá trị của chính mình.

Câu danh ngôn sau là để dành cho những người khăng khăng rằng họ đáng được nhiều hơn: "Tôi không nghe được anh nói gì; những hành động của anh đã át hết cả."

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có muốn kiếm nhiều tiền hơn không? Nếu có, chúng ta phải tăng giá trị bản thân trên thị trường. Cách tốt nhất để làm việc đó là tập trung vào các hoạt động tạo ra thu nhập.

Áp dụng Nguyên tắc 80/20

Pareto đã khám phá ra 80% tổng số tiền mà ta kiếm được sinh ra từ 20% hoạt động của chúng ta. Điều đó có nghĩa là  chúng ta lãng phí 80% thời gian của mình hoặc sử dụng chúng không tối ưu.

Vậy thì 20% "thần thánh" trong công việc của chúng ta mang lại 80% thành quả là gì? Nhiều nhiên viên bán hàng đã biến mình thành những chú hề chỉ vì không đủ tự tin đưa ra câu hỏi cuối cùng mang tính quyết định sẽ chốt được hợp đồng. Nhiều nhân viên mất hàng giờ đồng hồ chỉ để làm một hệ thống lưu hồ sơ tốt hơn. Nhiều ông chủ lại đi làm công việc của nhân viên, và họ luôn phải hi sinh những hoạt động thực sự sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận. Trong bất cứ công việc nào cũng chỉ có một vài nhiệm vụ và hoạt động quyết định mức thu nhập của chúng ta và vì thế chúng ta nên thực hiện càng thường xuyên càng tốt.

Điều đáng ngạc nhiên là, các hoạt động tạo ra thu nhập thường không khó lắm. Nhìn chung, chúng ta nên biết rằng những người thành công không làm tốt những việc cực kỳ khó khăn, mà thực ra họ làm những việc đơn giản cực kỳ tốt. Điều quan trọng nhất, họ đã làm!

Vì vậy, hãy hỏi chính bản thân mình một lần nữa, "Mình phải làm gì thường xuyên hơn để kiếm được nhiều hơn?". Bất kể câu trả lời là gì, hãy bắt tay vào làm.

Điều gì đã ngăn cản chúng ta dành 80% thời gian lãng phí, không hiệu quả còn lại cho các hoạt động tạo ra thu nhập?

Sự cầu toàn đã ngăn cản nhiều người khỏi mục tiêu này. Tuy nhiên, đằng sau sự cầu toàn là nỗi sợ thất bại, sợ phạm sai lầm. Dù thế nào, chúng ta vẫn luôn mắc lỗi. Càng tập trung nhiều vào các hoạt động tạo ra thu nhập, chúng ta càng mắc thêm lỗi. Chỉ có những người không làm gì mới không mắc lỗi.

Trái với suy nghĩ của nhiều người thì sai lầm thực ra là một điều tốt. Sai lầm chắc chắn sẽ phát sinh khi chúng ta thực hiện các hoạt động tao ra thu nhập. Watson cha, nhà sáng lập IBM, từng được hỏi về việc một người phải làm gì để có thể thăng tiến trong công ty của ông. Watson đã trả lời: "Anh ta phải tăng gấp đôi số lỗi mắc phải".

Watson biết rất rõ rằng, nhưng ai không sợ phạm lỗi và không sợ bị từ chối sẽ thực hiện nhiều các hoạt động tạo ra thu nhập hơn. Bạn có biết "bóng người" có nghĩa là gì không? Đó là tên một trò chơi mà mọi người cố gắng để không bị đánh trúng. Nhiều người cả đời chỉ làm một việc là né tránh hết mức hoạt động tạo ra thu nhập, chỉ vì không muốn bị "đánh trúng".

Sai lầm chỉ có lợi bởi chúng phát sinh trong quá trình chúng ta làm việc để đạt được những thành tựu phi thường. Không ai có thể gặt hái những thành quả lớn lao mà không mắc nhiều lỗi trong qúa trình thực hiện. Nếu chúng ta còn do dự vì sợ bị chê bai hay phạm sai lầm, ta sẽ không bao giờ đạt được những thành quả lớn. Và như vậy, ta cũng sẽ không bao giờ kiếm được nhiều tiền.

Sự thành công mang đến tiền bạc và sự công nhận. Sai lầm thì không. Không có phần thưởng cho sự sai lầm. Tuy nhiên, sai lầm đóng vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của chúng ta. Sai lầm cho chúng ta kinh nghiệm để cuối cùng hướng ta tới những quyết định tốt hơn. Và các quyết định tốt hơn làm tăng cơ hội đạt những thành công mới. Suy nghĩ theo cách này, ta sẽ thấy sau lầm và thành công có tầm quan trọng như nhau trong sự phát triển của mình. Những người không muốn phạm sai lầm đã tự mình tước đi cơ hội học hỏi và tiếp tục phát triển.

Người thành công biết đâu là các hoạt động tạo ra thu nhập và luôn cố gắng dành cho các hoạt động đó nhiều thời gian nhất có thể. Người thành công cũng biết rằng thà bắt đầu và mắc sai lầm còn hơn cứ mãi do dự vì sự cầu toàn.

Thực hành: Ngày hôm nay tôi sẽ thực hiện các việc sau để nâng cao tỉ lệ của các hoạt động tạo ra thu nhập:

01 - Tôi sẽ nhìn lại cách mình sử dụng thời gian vào ngày hôm qua. Tôi sẽ ép bản thân phải ý thức được rằng tôi sẽ không tạo ra được mấy thay đổi nếu không lên kế hoạch thực hiện các hoạt động tạo ra thu nhập cụ thể.

02 - Tôi  sẽ tự hỏi xem cụ thể  thì mình có thể làm gì để làm nhiều việc hơn trong các lĩnh vực mang lại thu nhập cho bản thân.

03 - Tôi hiểu rằng, sự cầu toàn thường chỉ mang lại do dự. Vì vậy, tôi sẽ tập trung làm việc nhanh hơn thay vì tìm cách làm hoàn hảo chúng.