Thay đổi hoàn cảnh bằng cách thay đổi thái độ

Thay đổi hoàn cảnh bằng cách thay đổi thái độ
Photo by Edward Howell / Unsplash
💡
Nếu cảm thấy thù địch hoặc nghi ngờ, chúng ta cũng khiến cho người khác cảm thấy những cảm xúc đó với sự hiện diện của chúng ta. Chúng ta phá hoại sự nghiệp và các mối quan hệ của chính mình bằng cách vô thức tạo ra những hoàn cảnh mà chúng ta e sợ nhất.

Quy luật của sự tự phá hoại

Mỗi người chúng ta đều có một cách thức riêng trong việc nhìn vào thế giới, diễn giải các sự kiện và hành động của mọi người xung quanh. Đó là thái độ của chúng ta, và nó quyết định phần lớn những gì xảy ra với chúng ta trong cuộc sống.

Nếu thái độ cơ bản của chúng ta là e sợ, chúng ta sẽ thấy sự tiêu cực trong mọi tình huống. Chúng ta tự ngăn cản bản thân khỏi việc mạo hiểm. Chúng ta đổ lỗi cho người khác về những sai lầm và không thể học hỏi từ chúng. Nếu cảm thấy thù địch hoặc nghi ngờ, chúng ta cũng khiến cho người khác cảm thấy những cảm xúc đó với sự hiện diện của chúng ta. Chúng ta phá hoại sự nghiệp và các mối quan hệ của chính mình bằng cách vô thức tạo ra những hoàn cảnh mà chúng ta e sợ nhất.

Tuy nhiên, thái độ của con người khá dễ uốn nắn. Bằng cách làm cho thái độ của chúng ta trở nên tích cực hơn, cởi mở hơn và khoan dung hơn với người khác, chúng ta có thể tạo ra một động lực khác - chúng ta có thể học hỏi từ nghịch cảnh, tạo ra những cơ hội từ chỗ không có gì và thu hút mọi người đến với chúng ta. Chúng ta cần khám phá những giới hạn của sức mạnh ý chí của chúng ta và biết nó có thể đưa chúng ta đi bao xa.

Sự tự do tối thượng

Khi còn bé, Anton Chekhov (1860-1904) – sau này trở thành nhà văn nổi tiếng – đã phải đối mặt với cảm giác sợ hãi vào mỗi buổi sáng: Liệu hôm đó cha cậu sẽ đánh cậu hay buông tha cho cậu? Không cần cảnh báo, và đôi khi không vì bất kỳ nguyên do rõ ràng nào, cha cậu, Pavel Yegorovich, sẽ đánh cậu nhiều lần bằng gậy, roi hoặc mu bàn tay.

Điều gây bối rối hơn cả là ông không đánh cậu vì bất kỳ ác ý hay cơn giận dữ rõ ràng nào. Ông nói với Anton ông đang làm điều đó vì tình yêu. Ý của Chúa là trẻ em nên bị đòn để thấm nhuần sự khiêm nhường. Đó là cách ông đã được dạy dỗ, và hãy nhìn xem ông đã trở thành một người đàn ông tốt thế nào. Khi trận đòn kết thúc, cậu bé Anton phải hôn tay cha và cầu xin được tha thứ. Ít nhất cậu cũng không đơn độc trong thử thách này, bốn anh em trai và một em gái của cậu đều bị đối xử theo cách đó.

Bị đòn không phải là điều duy nhất cậu sợ hãi. Vào buổi chiều, cậu thường nghe thấy tiếng bước chân đang tới gần của cha bên ngoài ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, và cậu run rẩy vì sợ. Ông thường trở về nhà vào giờ đó để yêu cầu nhóc Anton thay chỗ cho ông trong tiệm tạp hóa của ông ở thị trấn Taganrog buồn tẻ của nước Nga, nơi gia đình sống. Cái cửa tiệm đó hầu như lạnh không chịu nổi quanh năm suốt tháng.

Trong lúc vẫn trông nom công việc ở quầy, Anton cố làm bài tập về nhà, nhưng những ngón tay của cậu sẽ nhanh chóng trở nên tê cóng và mực trong lọ sẽ đóng băng. Trong cửa tiệm xô bồ luôn nồng nặc mùi thịt ôi, cậu sẽ phải lắng nghe những câu đùa tục tĩu của đám nông dân Ukraine làm việc gần đó, và chứng kiến hành vi dâm ô của những tay say rượu trong thị trấn, vốn tìm tới đó để nốc vodka. Giữa tất cả những điều này, cậu phải đảm bảo việc thu không thiếu một đồng kopeck nào, nếu không thì cậu sẽ nhận thêm một trận đòn bổ sung từ cha mình. Cậu thường bị bỏ mặc ở đó hàng giờ trong khi ông đang say xỉn ở một nơi khác.

Mẹ cậu thường cố can thiệp. Bà là một phụ nữ dịu dàng, không hợp với ông chồng chút nào. Bà thường nói: Thằng bé còn quá nhỏ để làm việc. Nó cần thời gian để học hành. Việc ngồi trong cửa tiệm lạnh cóng đang hủy hoại sức khỏe của nó. Cha cậu sẽ quát lên rằng Anton vốn là thằng bé lười biếng, và chỉ có chăm chỉ làm việc nó mới có thể trở thành một công dân khả kính.

Khi ông có mặt, thì không ai được giải lao. Vào chủ nhật, ngày duy nhất cửa tiệm đóng cửa, ông sẽ đánh thức bọn trẻ dậy lúc bốn hoặc năm giờ sáng để tập hát trong ca đoàn của nhà thờ mà ông là nhạc trưởng. Khi trở về nhà sau buổi lễ, đám trẻ sẽ phải tự mình lặp lại từng nghi thức. Đến khi việc tập luyện kết thúc, cả đám đều không còn hơi sức đâu nữa để chơi đùa.

Những lúc rảnh rỗi, Anton thường lang thang khắp thị trấn. Taganrog là một nơi chốn khắc nghiệt đối với trẻ con. Mặt tiền của hầu hết mọi ngôi nhà đều đổ nát, như thể chúng đã là những di tích cổ. Những con đường không được lát đá; và khi tuyết tan, chỗ nào cũng toàn bùn lầy, với những cái ổ gà khổng lồ có thể nuốt chửng một đứa trẻ đến tận cổ. Không có đèn đường. Những người tù thường được giao nhiệm vụ tìm những con chó đi lạc trên đường phố và đập chết chúng. Nơi yên tĩnh và an toàn duy nhất là những nghĩa địa ở xung quanh, và Anton rất thường tới đó.

Trong những chuyến dạo chơi này, cậu thường tự hỏi về bản thân và thế giới. Có phải cậu thật sự vô giá trị đến nỗi đáng bị cha cho ăn đòn hầu như mỗi ngày? Có lẽ. Thế nhưng cha cậu là một hiện thân của sự mâu thuẫn, ông lười biếng, luôn say xỉn và hoàn toàn không trung thực với khách hàng, dù rất sùng đạo. Và người dân ở Taganrog cũng lố lăng và đạo đức giả tương đương. Cậu thường quan sát họ tại nghĩa trang: Họ cố tỏ ra ngoan đạo trong tang lễ nhưng rồi lại hào hứng thì thầm với nhau về những cái bánh ngon lành, họ sẽ được thưởng thức sau đó tại nhà của bà quả phụ, như thể đó là lý do họ có mặt.

Niềm an ủi duy nhất của cậu khi đối mặt với cảm giác đau đớn và buồn chán thường xuyên là cười giễu tất cả mọi thứ. Cậu trở thành một anh hề của gia đình, nhại theo những nhân vật ở Taganrog và bịa đặt những câu chuyện về cuộc sống riêng tư của họ. Đôi khi máu khôi hài của cậu trở nên quá đáng. Cậu có những câu đùa thật sự tàn nhẫn với những đứa trẻ hàng xóm khác. Khi được mẹ sai ra chợ, cậu thường hành hạ con vịt hoặc con gà còn sống mà cậu mang về nhà trong cái bao tải. Cậu trở nên tinh quái và khá lười biếng.

Thế rồi vào năm 1875, mọi thứ đều thay đổi đối với gia đình Chekhov. Hai người anh của Anton, Alexander và Nikolai, đã chịu đựng người cha quá đủ. Họ quyết định cùng nhau chuyển đến Moscow, Alexander muốn theo đuổi một tấm bằng đại học, còn Nikolai muốn trở thành một họa sĩ. Sự xem thường quyền lực này khiến cha họ nổi giận, nhưng ông không thể ngăn họ lại. Cũng trong khoảng thời gian đó, rốt cuộc Pavel Yegorovich phải đối mặt với sự điều hành hoàn toàn sai lầm của mình đối với cửa tiệm - sau nhiều năm, ông mắc nợ như Chúa Chổm và bây giờ các hóa đơn đã tới hạn thanh toán. Đối mặt với sự phá sản và gần như chắc chắn phải ngồi tù một thời gian vì nợ, một đêm nọ ông lặng lẽ rời thị trấn, không nói gì với vợ, và trốn đến Moscow, dự định sống với hai cậu con trai.

Bà mẹ buộc phải bán hết tài sản của gia đình để trả nợ. Một người khách trọ sống chung với họ đề nghị giúp đỡ bà trong vụ kiện chống lại các chủ nợ, nhưng bà vô cùng kinh ngạc khi nhận ra ông ta đã sử dụng những quan hệ với tòa án của mình để lừa đảo nhằm tống khứ gia đình Chekhov ra khỏi nhà của họ.

Không còn một xu dính túi, bà buộc phải chuyển tới Moscow cùng mấy đứa con khác. Chỉ còn Anton ở lại để hoàn thành việc học và lấy bằng tốt nghiệp. Cậu chịu trách nhiệm bán hết những đồ đạc còn lại của gia đình và gửi tiền đến Moscow càng sớm càng tốt. Gã khách trọ trước đây, giờ là chủ sở hữu ngôi nhà, cho Anton một góc phòng để sống. Thế là, vào tuổi 16, không có chút tiền còm nào và không còn gia đình để chăm sóc cho mình, đột nhiên Anton phải tự xoay xở mọi thứ ở Taganrog.

Trước đó Anton chưa bao giờ thật sự đơn độc. Gia đình cậu là toàn bộ cuộc sống của cậu, dù tốt hay xấu. Bây giờ nó đã đổ vỡ tan tành. Cậu không có người nào để nương tựa nữa. Cậu thầm trách cha mình vì số phận khốn khổ này, vì việc bị mắc kẹt ở Taganrog. Có hôm cậu cảm thấy tức giận và cay đắng, hôm sau lại cảm thấy chán chường.

Nhưng cậu sớm nhận ra mình không có thời gian cho những cảm xúc đó. Cậu không có tiền hay nguồn trợ giúp nào, thế nhưng bằng cách nào đó cậu phải sống sót. Vì thế, cậu nhận làm gia sư cho càng nhiều gia đình càng tốt. Khi họ đi nghỉ, cậu thường bị đói suốt nhiều ngày. Cái áo khoác duy nhất của cậu đã mòn xơ xác; cậu không có ủng cao su cho những cơn mưa lớn. Cậu xấu hổ khi bước vào nhà mọi người, với thân hình run lẩy bẩy và đôi chân ướt sũng. Nhưng ít nhất bây giờ cậu có thể tự lo liệu cho mình.

Cậu quyết định trở thành một bác sĩ. Cậu có một tinh thần khoa học, và các bác sĩ kiếm sống tốt. Để vào trường y, cậu sẽ phải học chăm chỉ hơn nhiều. Thường xuyên đến thư viện thị trấn, nơi duy nhất có thể làm việc trong an bình và yên tĩnh, cậu cũng bắt đầu nghiên cứu các học phần văn chương và triết học, và chẳng mấy chốc cậu cảm thấy tâm hồn mình vượt xa khỏi Taganrog. Với những cuốn sách, cậu không còn cảm thấy bị rơi vào tình thế mắc kẹt nữa. Tối đến, cậu trở về góc phòng để viết truyện ngắn và ngủ. Cậu không có sự riêng tư, nhưng có thể giữ cho góc phòng của mình gọn gàng và ngăn nắp, thoát khỏi sự hỗn loạn thường lệ của gia đình Chekhov.

Lần hồi cuộc sống của cậu cũng bắt đầu ổn định, và những suy nghĩ, cảm xúc mới đến với cậu. Công việc không còn là thứ cậu sợ hãi nữa; cậu thích đắm mình vào việc học, và công việc dạy kèm khiến cậu cảm thấy tự hào và có phẩm cách - cậu có thể tự chăm sóc bản thân.

Những lá thư đến từ gia đình cậu - Alexander càm ràm về việc bố họ lại làm cho mọi người khốn khổ; Mikhail, người con trai út, cảm thấy mình vô giá trị và chán nản. Anton hồi âm cho Alexander: Hãy ngừng ám ảnh về cha của chúng ta và bắt đầu tự chăm sóc bản thân. Cậu cũng viết cho Mikhail: “Vì sao em lại tự coi mình là ‘đứa em vô giá trị, vô nghĩa’ của anh? Em có biết em nên nhận ra sự vô giá trị của mình ở đâu không? Trước mặt Chúa, có lẽ... nhưng không phải trước mặt mọi người. Khi ở giữa mọi người em nên ý thức về giá trị của mình”. Ngay cả Anton cũng ngạc nhiên trước giọng điệu mới mà cậu đưa vào những lá thư này.

Thế rồi một hôm nọ, vài tháng sau khi bị bỏ rơi, khi đang lang thang trên đường phố Taganrog, cậu đột nhiên cảm thấy lòng tràn ngập một cảm giác cảm thông và yêu mến cha mẹ sâu sắc. Nó bắt nguồn từ đâu vậy? Cậu chưa bao giờ cảm thấy điều này trước đây. Suốt những ngày trước thời điểm này, cậu đã suy nghĩ rất lâu về cha mình. Ông có thật sự có lỗi trong tất cả các vấn đề của họ hay chăng?

Cha của Pavel, Yegor Mikhailovich, từng là một nông nô từ lúc chào đời, nông nô là một hình thức nô lệ theo khế ước. Gia tộc Chekhov đã là nông nô trong suốt nhiều thế hệ. Rốt cuộc Yegor đã có thể mua sự tự do của gia đình, và ông đã đặt ba đứa con trai của mình vào những lĩnh vực khác nhau, Pavel được ấn định là thương gia của gia đình. Nhưng Pavel không thể đương đầu với trách nhiệm này. Ông có một khí chất nghệ sĩ, có thể trở thành một họa sĩ hoặc nhạc sĩ tài năng. Ông cảm thấy cay đắng với số phận của mình - một tiệm tạp hóa và sáu đứa con. Cha ông đã đánh ông, và vì vậy ông đánh các con của mình. Dù không còn là một nông nô, Pavel vẫn cúi đầu và hôn bàn tay của mọi quan chức và địa chủ tại địa phương. Trong thâm tâm, ông vẫn là một nông nô.

Anton có thể thấy rằng cậu và các anh chị em khác đã rơi vào khuôn mẫu tương tự - cay đắng, thầm cảm thấy mình vô giá trị và muốn trút giận lên người khác. Bây giờ, khi sống một mình và tự chăm sóc bản thân, Anton khao khát được tự do theo nghĩa xác thực nhất của từ này. Cậu muốn thoát khỏi quá khứ, thoát khỏi cha mình. Và ở đây, trong lúc thả bước trên đường phố Taganrog, câu trả lời đã đến với cậu từ những cảm xúc mới và bất ngờ này.

Khi thấu hiểu cha mình, cậu có thể chấp nhận và thậm chí yêu thương ông. Ông không phải là một bạo chúa oai phong mà là một ông già khá bất lực. Với một chút khoảng cách, cậu có thể cảm thông và tha thứ cho những trận đòn. Cậu sẽ không bị ràng buộc vào mọi cảm xúc tiêu cực mà ông đã khơi gợi. Và cuối cùng cậu cũng có thể coi trọng người mẹ tốt bụng của mình, không trách móc sự yếu đuối của bà. Với tâm hồn đã quét sạch những oán giận và những suy nghĩ ám ảnh về tuổi thơ đã mất của mình, như thể một gánh nặng to lớn đã đột nhiên được nhấc ra khỏi vai cậu.

Cậu tự thề với lòng mình: Không cúi đầu và xin lỗi mọi người nữa; không phàn nàn và đổ lỗi nữa; không sống một cách vô trật tự và lãng phí thời gian nữa. Câu trả lời cho tất cả mọi thứ là lao động và tình yêu, lao động và tình yêu. Cậu phải truyền thông điệp này đến gia đình và cứu vớt họ. Cậu phải chia sẻ nó với nhân loại thông qua những câu chuyện và vở kịch của mình.

Cuối cùng, vào năm 1879, Anton chuyển đến Moscow để ở cùng với gia đình và theo học trường y, và những gì anh thấy ở đó khiến anh tuyệt vọng. Gia đình Chekhov và một vài người khách trọ bị nhồi nhét vào một căn phòng duy nhất dưới tầng hầm của một căn nhà, ở giữa phố đèn đỏ. Căn phòng được thông gió rất ít và hầu như không có ánh sáng.

Điều tồi tệ nhất là tinh thần của cả gia đình. Mẹ anh đã ngã bệnh do những lo lắng thường trực về tiền bạc và việc phải sống bên dưới lòng đất. Cha anh thậm chí còn uống nhiều hơn và làm một số công việc vặt vãnh mà nó hoàn toàn thấp kém so với việc làm chủ một cửa tiệm. Ông vẫn tiếp tục đánh đập mấy đứa con. Những đứa em nhỏ nhất của Anton đã thôi học (gia đình không đủ khả năng) và cảm thấy mình hoàn toàn vô giá trị.

Mikhail nói riêng thậm chí còn chán nản hơn bao giờ hết. Alexander đã đi làm với tư cách một nhà văn cho các tạp chí, nhưng anh cảm thấy mình đáng được nhiều hơn thế và bắt đầu uống rượu nhiều hơn. Anh đổ lỗi những vấn đề của mình cho việc cha anh đã theo anh đến Moscow và ám ảnh mọi bước đi của anh. Nikolai, họa sĩ, ngủ đến tận trưa, làm việc tùy hứng và trải qua phần lớn thời gian ở quán rượu địa phương. Cả gia đình đang đi xuống với tốc độ đáng báo động, và khu phố họ sống chỉ làm cho sự việc thêm tồi tệ.

Cha anh và Alexander vừa mới chuyển ra ngoài. Anton quyết định mình cần phải làm ngược lại, sống trong căn phòng chật chội và trở thành chất xúc tác để thay đổi. Anh sẽ không rao giảng hay chỉ trích mà chỉ nêu gương sáng. Điều quan trọng là duy trì sự gắn bó của gia đình và nâng cao tinh thần của họ. Anh báo với bà mẹ và cô em gái luôn bị áp chế rằng anh sẽ phụ trách công việc nhà. Thấy Anton dọn dẹp và ủi đồ, mấy người em đồng ý chia sẻ những nhiệm vụ này. Anh sống tằn tiện và để dành tiền từ học bổng trường y của mình và nhận thêm tiền từ cha và Alexander. Với số tiền này, anh đưa Mikhail, Ivan và Maria trở lại trường học. Anh xoay xở tìm được cho cha một công việc tốt hơn. Với số tiền của cha và tiền dành dụm riêng, anh có thể chuyển cả gia đình đến một căn hộ rộng rãi và thông thoáng hơn.

Anh làm việc để cải thiện mọi khía cạnh cuộc sống của họ. Anh đưa cho các em trai và em gái đọc những cuốn sách anh đã chọn, và đến đêm họ sẽ bàn luận về những phát hiện mới nhất trong các vấn đề khoa học và triết học. Dần dần tất cả gắn kết với nhau ở một mức độ sâu sắc hơn nhiều, và họ bắt đầu gọi anh là Papa Antosha, người đứng đầu gia đình. Thái độ phàn nàn và tự thương hại mà anh gặp phải hồi đầu gần như biến mất. Giờ đây hai cậu em trai nói chuyện rất hào hứng về sự nghiệp tương lai của họ.

Kế hoạch lớn nhất của Anton là cải sửa Alexander, người mà anh coi là thành viên tài năng nhất nhưng cũng gặp nhiều rắc rối nhất trong gia đình. Có lần Alexander trở về nhà khi đã say mèm, bắt đầu xúc phạm mẹ và em gái, và đe dọa sẽ đập vỡ mặt Anton. Gia đình đã trở nên cam chịu với những tình huống tệ hại như thế, nhưng Anton không tha thứ cho điều này. Hôm sau anh nói với Alexander rằng nếu anh ta chửi mắng một thành viên khác trong gia đình, anh sẽ cấm cửa anh ta và không xem anh ta là anh nữa. Anh ta phải đối xử với mẹ và em gái với sự tôn trọng và không được đổ lỗi cho cha về việc anh ta trở nên nghiện rượu và có quan hệ lăng nhăng với phụ nữ. Anh ta phải có một phẩm cách nhất định - ăn mặc chỉnh tề và biết tự chăm sóc bản thân. Đó là quy tắc mới của gia đình.

Alexander xin lỗi và hành vi của anh ta đã được cải thiện, nhưng đó là một trận chiến liên tục đòi hỏi toàn bộ tình yêu và sự nhẫn nại của Anton, vì đặc tính tự hủy hoại trong gia đình Chekhov đã ăn sâu. Nó đã khiến cho Nikolai chết sớm vì nghiện rượu, và nếu không liên tục chú ý, Alexander có thể dễ dàng đi theo con đường tương tự. Anton từ từ cai rượu cho anh trai và giúp đỡ anh ta trong sự nghiệp báo chí, và cuối cùng Alexander cùng có một cuộc sống yên tĩnh và mãn nguyện.

Vào khoảng năm 1884, Anton bắt đầu khạc ra máu và rõ ràng ông đã có những dấu hiệu ban đầu của bệnh lao. Ông từ chối không chịu để cho một bác sĩ đồng nghiệp kiểm tra sức khỏe. Ông không muốn biết, và vẫn tiếp tục viết và hành nghề y, không hề lo lắng tới tương lai. Nhưng khi ngày càng nổi tiếng nhờ những vở kịch và truyện ngắn, ông bắt đầu trải nghiệm một dạng khó chịu mới - sự đố kỵ và những lời chỉ trích nhỏ mọn của các nhà văn đồng nghiệp. Họ thành lập nhiều bè phái chính trị khác nhau và tấn công nhau không dứt, bao gồm cả chính Anton, người đã từ chối liên minh với bất kỳ sự nghiệp cách mạng nào. Tất cả những điều này khiến Anton cảm thấy ngày càng bất mãn với giới văn học. Tâm trạng hưng phấn mà ông đã thận trọng bồi đắp ở Taganrog đang tan biến. Ông trở nên chán nản và cân nhắc tới việc từ bỏ hoàn toàn văn nghiệp.

Thế rồi khoảng cuối năm 1889, ông chợt nghĩ ra một cách để giải thoát bản thân khỏi căn bệnh trầm cảm ngày càng tăng. Từ hồi còn ở Taganrog, ông đã say mê quan sát những thành viên nghèo nhất và đáng ghét nhất trong xã hội. Ông thích viết về những tên trộm và những kẻ lừa đảo, và thâm nhập vào tâm trí họ. Những thành viên thấp kém nhất trong xã hội Nga là những tù nhân của nó, vốn sống trong những điều kiện rất kinh khủng.

Và nhà tù khét tiếng nhất của Nga nằm trên đảo Sakhalin, ngay phía bắc Nhật Bản. Nó có năm khu vực hình phạt với hàng trăm ngàn tù nhân và gia đình của họ. Nó giống như một quốc gia trong bóng tối - không ai ở Nga biết bất cứ điều gì về những gì đã thật sự xảy ra trên đảo. Đây có thể là câu trả lời cho nỗi bất hạnh hiện tại của ông. Ông sẽ thực hiện chuyến đi đầy gian nan xuyên qua Siberia để đến đảo. Ông sẽ phỏng vấn những tên tội phạm sừng sỏ nhất. Ông sẽ viết một cuốn sách chi tiết về các điều kiện ở đó. Tránh xa khỏi giới văn học tự phụ, ông sẽ kết nối với một thứ gì đó rất thật và hâm nóng lại tâm trạng khoan dung mà ông đã tạo ra khi còn ở Taganrog.

Gia đình và bạn bè cố gắng ngăn cản ông. Sức khỏe của ông đã giảm sút nhiều; chuyến đi này có thể giết chết ông. Nhưng họ càng cố can ngăn, ông càng cảm thấy chắc chắn đó là cách duy nhất để tự cứu mình.

Sau cuộc hành trình kéo dài ba tháng, cuối cùng ông đã đến đảo vào tháng 7/1890 và lập tức đắm mình trong thế giới mới này. Công việc của ông là phỏng vấn mọi tù nhân có thể, kể cả những tên sát nhân tàn ác nhất. Ông điều tra về mọi khía cạnh cuộc sống của họ. Ông đã chứng kiến những cuộc tra tấn tù nhân khủng khiếp nhất và theo dõi các phạm nhân bị xích vào xe cút kít khi họ làm việc trong các hầm mỏ địa phương. Thông thường, những tù nhân đã hoàn thành án tù phải ở lại trên đảo trong các trại lao động và vì vậy đảo Sakhalin có rất nhiều người vợ đang chờ đợi để tham gia cùng họ trong các trại này. Những người phụ nữ này và con gái của họ sẽ phải bán thân để kiếm sống. Tất cả mọi thứ đều nhằm mục đích làm suy thoái tinh thần của mọi người và làm kiệt quệ mọi phẩm giá. Điều này nhắc ông nhớ tới tình trạng của gia đình mình, nhưng ở một mức độ khủng khiếp hơn nhiều.

Chắc chắn đây là tầng địa ngục thấp nhất ông có thể đến thăm, và nó có tác động rất sâu sắc đối với ông. Giờ đây ông khao khát được trở về Moscow và viết về những gì mình đã chứng kiến. Ý thức về sự tương quan của ông đã được khôi phục. Cuối cùng ông đã tự giải thoát khỏi những suy nghĩ và mối quan tâm nhỏ nhặt đã từng đè nặng xuống tâm hồn. Bây giờ ông có thể vượt ra khỏi chính mình và cảm thấy khoan dung trở lại. Cuốn sách của ông, Đảo Sakhalin, đã thu hút sự chú ý của công chúng và dẫn đến những cải cách đáng kể về điều kiện sống trên đảo.

Đến năm 1897, sức khỏe của ông suy giảm trầm trọng và ông bắt đầu ho ra máu khá thường xuyên. Ông không thể tiếp tục che đậy căn bệnh lao của mình trước bao nhiêu người. Bác sĩ điều trị khuyên ông nên từ bỏ mọi công việc và rời khỏi Moscow mãi mãi. Ông cần nghỉ ngơi. Có lẽ bằng cách sống trong một viện điều dưỡng, ông có thể kéo dài cuộc sống của mình thêm một vài năm. Anton không thực hiện bất cứ điều nào trong số này. Ông vẫn sống như không có gì thay đổi.
Một sự sùng bái mới bắt đầu hình thành xung quanh Chekhov, từ những nghệ sĩ trẻ và những người hâm mộ các vở kịch của ông, tất cả những điều đó khiến ông trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Nga. Vô số người đến thăm ông; và dù rõ ràng ông đang đau ốm, từ ông lan tỏa một sự điềm tĩnh làm kinh ngạc hầu hết mọi người. Nó từ đâu đến? Có phải ông được sinh ra theo cách này? Dường như ông hoàn toàn chìm đắm vào những câu chuyện và vấn đề của họ. Chưa ai từng nghe ông nói về căn bệnh của chính ông.

Vào mùa đông năm 1904, khi tình trạng sức khỏe ngày càng tồi tệ, ông đột nhiên mong muốn được đi xe trượt tuyết vào vùng thôn dã. Nghe tiếng chuông của xe trượt tuyết và hít thở không khí lạnh luôn là một trong những thú vui lớn nhất của ông, và ông cần phải cảm nhận điều này thêm một lần nữa. Ước muốn này khiến ông hưng phấn đến độ không hề quan tâm chút nào tới những hậu quả, vốn thật sự đáng sợ. Ông qua đời vài tháng sau đó.

Diễn giải

Vào thời điểm bị mẹ bỏ lại một mình ở Taganrog, chàng trai trẻ Anton Chekhov cảm thấy bị mắc kẹt, như thể bị tống vào tù. Ông buộc phải cố hết sức làm việc ngoài việc học. Giờ ông bị mắc kẹt trong chốn buồn tẻ vô vọng này, không có ai hỗ trợ, sống trong một căn phòng nhỏ.

Những suy nghĩ cay đắng về số phận của mình và về tuổi thơ ông chưa bao giờ được hưởng đã gặm nhấm ông trong những giây phút rảnh rỗi. Nhưng khi nhiều tuần trôi qua, ông nhận ra một điều rất lạ lùng – ông thật sự thích công việc dạy kèm, dù tiền lương ít ỏi và ông vẫn phải tiếp tục chạy quanh thị trấn. Cha ông đã bảo rằng ông lười biếng, và ông đã tin điều đó, nhưng giờ ông không chắc lắm. Mỗi ngày là một cuộc thử thách để tìm thêm công việc và đặt thức ăn lên bàn. Ông đã thành công trong việc này. Ông không phải là một thứ sâu bọ khốn khổ đáng bị ăn đòn. Bên cạnh đó, công việc gia sư là một cách để ông vượt ra khỏi bản thân và đặt toàn bộ sự chú ý vào những vấn đề của đám học trò.

Những cuốn sách ông đọc đã đưa ông xa khỏi Taganrog và khiến lòng ông đầy ắp những ý nghĩ thú vị, đọng lại suốt cả ngày. Bản thân Taganrog không quá tệ. Mỗi cửa tiệm, mỗi ngôi nhà đều chứa đựng những nhân vật kỳ quặc nhất, cung cấp tư liệu vô tận cho những truyện ngắn của ông. Còn cái góc phòng đó - nó là vương quốc của ông. Không còn cảm giác bị mắc kẹt, giờ ông cảm thấy được giải thoát.

Thật ra điều gì đã thay đổi? Chắc chắn không phải hoàn cảnh của ông, thị trấn Taganrog, hay cái góc phòng. Điều đã thay đổi là thái độ của ông, nó mở ra cho ông những trải nghiệm và khả năng mới. Khi đã cảm nhận được điều này, ông muốn đưa nó đi xa hơn. Trở ngại lớn nhất còn lại đối với cảm giác tự do này là cha ông. Dù có cố gắng thế nào, ông cũng không thể thoát khỏi cảm giác cay đắng. Như thể ông vẫn có thể cảm nhận được những trận đòn và nghe thấy những lời chỉ trích bất tận.

Với một phương sách cuối cùng, ông cố gắng phân tích cha mình như thể ông ấy là một nhân vật trong một câu chuyện. Điều này khiến ông nghĩ tới ông nội và tất cả các thế hệ của gia tộc Chekhov. Khi suy xét kỹ về bản tính thất thường và trí tưởng tượng điên rồ của cha mình, ông có thể hiểu hẳn ông ấy đã cảm thấy bị mắc kẹt bởi hoàn cảnh của mình như thế nào và vì sao ông ấy trở nên say xỉn và đối xử tàn bạo với gia đình. Ông ấy bất lực, là một nạn nhân hơn là một kẻ áp bức. Sự thấu hiểu này về người cha đã đặt nền móng cho tình yêu vô điều kiện bất chợt một ngày ập đến đối với cha mẹ ông.

Rốt cuộc, khi tâm hồn bừng sáng với cảm xúc mới này, ông cảm thấy hoàn toàn được giải thoát khỏi sự oán ghét và tức giận. Những cảm xúc tiêu cực từ quá khứ cuối cùng đã rời xa. Giờ đây tâm hồn ông có thể mở rộng hoàn toàn. Cảm giác này phấn khích đến nỗi ông phải chia sẻ nó với anh chị em của mình và cũng để giải thoát cho họ.

Điều đã đưa Chekhov đến suy nghĩ này là sự khủng hoảng mà ông phải đối mặt khi bị bỏ lại một mình vào lúc tuổi trẻ như vậy. Chekhov đã trải qua một cuộc khủng hoảng khác vào khoảng mười ba năm sau đó, khi ông cảm thấy buồn phiền trước sự nhỏ mọn của các nhà văn đồng nghiệp. Giải pháp của ông là tái tạo những gì đã xảy ra ở Taganrog, nhưng đảo ngược lại - ông sẽ là người từ bỏ những người khác và tự buộc mình sống cô đơn và dễ bị tổn thương. Bằng cách này, ông có thể trải nghiệm lại sự tự do và cảm thông đã từng cảm thấy hồi sống ở Taganrog. Cái chết sớm do bệnh lao là cuộc khủng hoảng cuối cùng. Ông sẽ buông bỏ sự sợ hãi cái chết, và những cảm giác cay đắng đi cùng với việc rút ngắn cuộc sống của ông, bằng cách tiếp tục sống thật bình thản. Sự tự do tối thượng và cuối cùng này đã mang tới cho ông một thứ ánh sáng rạng rỡ mà hầu như tất cả những ai gặp ông trong thời kỳ này đều có thể cảm nhận được.

Thấu hiểu

Câu chuyện của Anton Chekhov thật sự là một hình mẫu cho những gì chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Chúng ta mang theo những tổn thương và đau đớn từ thời thơ ấu. Trong cuộc sống xã hội, khi lớn tuổi hơn, chúng ta tích lũy những niềm thất vọng và những sự miệt khinh. Chúng ta cũng thường bị ám ảnh bởi một cảm giác rằng mình vô giá trị, không thật sự xứng đáng với những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Tất cả chúng ta đều có những giây phút cực kỳ hoài nghi về bản thân. Những cảm xúc này có thể dẫn đến những suy nghĩ có tính chất ám ảnh chi phối tâm trí của chúng ta. Chúng khiến chúng ta cắt giảm bớt những gì chúng ta trải nghiệm như một cách để kiểm soát những lo lắng và thất vọng. Chúng khiến chúng ta quay sang rượu hoặc bất kỳ thói quen nào để làm tê liệt cơn đau. Không nhận ra điều đó, chúng ta khoác lấy một thái độ tiêu cực và sợ hãi đối với cuộc sống. Thái độ này trở thành nhà tù tự áp đặt của chúng ta. Nhưng không nhất thiết phải như vậy. Sự tự do mà Chekhov trải nghiệm đến từ một sự lựa chọn, một cách nhìn khác vào thế giới, một sự thay đổi trong thái độ. Tất cả chúng ta đều có thể đi theo một con đường như vậy.

Sự tự do này chủ yếu đến từ việc giữ một thái độ khoan dung – đối với những người khác và đối với bản thân. Bằng cách chấp nhận mọi người, bằng cách thấu hiểu và thậm chí có thể yêu họ vì bản chất con người của họ, chúng ta có thể giải phóng tâm hồn khỏi những cảm xúc ảm ảnh và nhỏ mọn. Chúng ta có thể ngừng phản ứng với mọi điều mà mọi người làm và nói. Chúng ta có thể tạo một khoảng cách nào đó và ngăn chặn bản thân khỏi việc cá nhân hóa mọi thứ. Không gian tinh thần được giải phóng cho những mưu cầu cao hơn.

Khi chúng ta cảm thấy khoan dung với những người khác, họ cảm thấy bị cuốn hút về phía chúng ta và muốn hòa vào tinh thần của chúng ta. Khi cảm thấy khoan dung với chính mình, chúng ta không còn cảm thấy cần phải cúi đầu, bái gối và chơi trò chơi khiêm nhường giả tạo trong khi ngấm ngầm oán ghét sự thất bại của mình. Thông qua công việc và thông qua việc có được những gì chúng ta cần mà không phụ thuộc vào người khác, chúng ta có thể ngẩng cao đầu và nhận ra tiềm năng của mình với tư cách con người. Chúng ta có thể ngừng phát ra những cảm xúc tiêu cực xung quanh. Một khi cảm nhận được sức mạnh phấn khích từ thái độ mới này, chúng ta sẽ muốn làm lan tỏa nó đi càng xa càng tốt.

Nhiều năm sau, trong một lá thư gửi cho một người bạn, Chekhov đã cố gắng tóm tắt kinh nghiệm của ông ở Taganrog, nói về chính mình ở ngôi thứ ba: “Viết về việc chàng trai trẻ này đã vắt từng giọt nô lệ ra khỏi bản thân ra sao và việc anh ta đã thức dậy vào một buổi sáng đẹp trời để nhận ra rằng dòng máu chảy trong huyết quản của mình không còn là dòng máu nô lệ nữa mà là của một con người thật sự ra sao”.

"Khám phá lớn nhất của thế hệ của tôi là thực tế rằng con người có thể thay đổi cuộc sống của họ bằng cách thay đổi thái độ của tâm trí họ." - William James

Nguồn: Tổng hợp từ sách