Thế giới bên ngoài chính là sự sáng tạo của nội tâm chúng ta?

Thế giới bên ngoài chính là sự sáng tạo của nội tâm chúng ta?
Photo by vackground.com / Unsplash

Loài người thích tưởng tượng rằng mình có một kiến thức khách quan về thế giới. Chúng ta xem như lẽ đương nhiên rằng những gì chúng ta nhận thấy hằng ngày là thực tại – thực tại này ít nhiều giống nhau đối với mọi người. Nhưng đây là một ảo tưởng. Không bao giờ có hai người nhìn hoặc trải nghiệm thế giới theo cùng một cách. Những gì chúng ta nhận thức được là phiên bản thực tại của cá nhân chúng ta, một phiên bản do chính chúng ta tạo ra.

Chúng ta định hình phần lớn thực tại mà chúng ta cảm nhận theo tâm trạng và cảm xúc của chúng ta

Hãy tưởng tượng kịch bản sau: Một người Mỹ trẻ tuổi phải trải qua một năm học tập tại Paris. Anh hơi rụt rè và thận trọng, dễ bị trầm cảm và có lòng tự trọng thấp, nhưng thật sự rất phấn khích trước cơ hội này. Khi đã tới nơi, anh thấy tiếng Pháp khó nói, và những sai lầm anh mắc phải cùng thái độ hơi giễu cợt của người Paris khiến anh càng khó học hơn. Anh thấy mọi người không thân thiện chút nào. Thời tiết ẩm ướt và ảm đạm. Thức ăn quá phong phú. Ngay cả nhà thờ Đức Bà cũng có vẻ đáng thất vọng, khu vực xung quanh nó rất đông khách du lịch. Mặc dù cũng có những khoảnh khắc thú vị, anh thường cảm thấy xa lạ và không vui. Anh kết luận rằng Paris đã được đánh giá quá cao và là một nơi khá khó chịu.

Giờ hãy tưởng tượng một kịch bản tương tự nhưng với một cô gái hướng ngoại hơn và có một tinh thần phiêu lưu. Cô không bận tâm tới việc phạm lỗi khi nói tiếng Pháp, cũng không bận tâm tới một nhận xét cạnh khóe thi thoảng từ một người dân Paris. Cô thấy việc học ngôn ngữ là một thử thách thú vị. Những người khác nhận thấy tinh thần của cô rất lôi cuốn. Cô kết bạn dễ dàng hơn, và với nhiều mối quan hệ hơn, kiến thức về tiếng Pháp của cô cũng được cải thiện. Cô thấy thời tiết lãng mạn và khá phù hợp với nơi này. Đối với cô, thành phố này đại diện cho những cuộc phiêu lưu bất tận và cô thấy nó thật mê hoặc.

Trong trường hợp này, hai người nhìn và phán xét cùng một thành phố theo những cách trái ngược nhau. Là một vấn đề thực tế khách quan, tiết trời của Paris không đẹp hay xấu. Những đám mây chỉ đơn giản trôi qua. Sự thân thiện hay không thân thiện của người Paris là một đánh giá chủ quan - nó phụ thuộc vào những người bạn gặp và việc họ như thế nào so với những người ở quê hương của bạn. Nhà thờ Đức Bà chỉ đơn thuần là sự tập hợp của những mảnh đã được chạm khắc. Thế giới chỉ đơn giản tồn tại như vẫn vậy - những sự vật hay sự kiện không tốt hay xấu, đúng hay sai, xấu hay đẹp. Chính chúng ta, với những quan điểm riêng biệt của mình, đã thêm vào màu sắc hoặc giảm trừ nó khỏi những sự vật và con người. Chúng ta tập trung vào kiến trúc Gothic tuyệt đẹp hoặc đám khách du lịch phiền phức. Với mô thức tư duy của mình, chúng ta có thể khiến cho mọi người phản ứng với mình một cách thân thiện hoặc không thân thiện, tùy thuộc vào sự lo lắng hoặc cởi mở của chúng ta. Chúng ta định hình phần lớn thực tại mà chúng ta cảm nhận theo tâm trạng và cảm xúc của chúng ta.

Thấu hiểu

Mỗi chúng ta nhìn thế giới qua một thấu kính riêng biệt vốn tô màu và định hình những nhận thức của chúng ta. Chúng ta hãy gọi thấu kính này là thái độ của chúng ta.  Điều này có nghĩa như sau: Trong một ngày, tâm trí của chúng ta phản ứng với hàng ngàn kích thích của môi trường. Tùy thuộc vào hệ thống não bộ và cấu trúc tâm lý của chúng ta, một số kích thích nhất định – những đám mây trên bầu trời, những đám đông – sẽ dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ hơn. Phản ứng càng mạnh, chúng ta càng chú ý. Một số trong chúng ta nhạy cảm hơn với những kích thích mà hầu hết những người khác sẽ bỏ qua.

Nếu có xu hướng cảm thấy buồn bã một cách vô ý thức vì bất kỳ lý do gì, chúngta có nhiều khả năng nhận được những dấu hiệu vốn đẩy cảm giác này mạnh hơn. Nếu có bản chất nghi ngờ, chúng ta nhạy cảm hơn với những biểu cảm trên gương mặt vốn thể hiện bất kỳ loại tiêu cực nào khả dĩ và thường phóng đại những gì chúng ta nhận thấy. Đây là “sự sẵn sàng của tâm lý để... phản ứng theo một cách thức nhất định”.

Chúng ta không bao giờ ý thức được quá trình này. Chúng ta chỉ đơn thuần trải nghiệm những hậu quả của những phản ứng nhạy cảm của bộ não; chúng bổ sung cho một tâm trạng tổng thể hoặc nền tảng cảm xúc mà chúng ta có thể gọi là sự trầm cảm, thù địch, bất an, nhiệt tình hoặc sự mạo hiểm.

Chúng ta trải nghiệm những tâm trạng khác nhau, nhưng trong một ý nghĩa tổng thể, có thể nói rằng chúng ta có một cách nhìn và giải thích thế giới riêng biệt, bị chi phối bởi một cảm xúc hoặc sự pha trộn của một số cảm xúc, chẳng hạn sự thù địch và oán giận. Đây là thái độ của chúng ta. Những người trầm cảm nhiều hơn có thể cảm thấy những giây phút vui vẻ, nhưng họ thiên về trải nghiệm nỗi buồn nhiều hơn; họ tiên đoán được cảm giác này trong những cuộc gặp gỡ hàng ngày của họ.

Nhà tâm lý học vĩ đại người Thụy Sĩ Carl Jung minh họa ý tưởng này theo cách sau:

Hãy tưởng tượng rằng trong một chuyến đi bộ đường dài, mọi người bắt gặp một dòng suối cần phải vượt qua để tiếp tục cuộc hành trình. Một người, không cần suy nghĩ nhiều, sẽ chỉ đơn giản nhảy ngang qua, chạm vào một hoặc hai hòn đá, không lo lắng gì về việc có thể bị rơi xuống nước. Anh ta thích niềm vui thể chất tuyệt đối của cú nhảy và không bận tâm mấy nếu thất bại.

Một người khác cũng rất hào hứng, nhưng nó không liên quan đến niềm vui thể chất nhiều bằng sự thử thách tinh thần mà dòng suối là hình ảnh đại diện. Cô ta sẽ nhanh chóng tính toán các phương tiện vượt suối hiệu quả nhất và sẽ mãn nguyện khi tìm ra cách.

Một người khác nữa, có bản chất thận trọng, sẽ mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ kỹ. Anh ta không có niềm vui trong việc vượt qua; anh ta bị kích thích bởi sự cản trở, nhưng anh ta muốn tiếp tục đi bộ và anh ta sẽ cố gắng hết sức để vượt qua an toàn.

Người thứ tư sẽ chỉ đơn giản quay trở về. Cô ta sẽ thấy không cần phải băng qua suối và sẽ hợp lý hóa nỗi sợ hãi của mình bằng cách nói rằng cuộc đi bộ đã đủ lâu.

Không ai chỉ đơn giản nhìn thấy hoặc nghe thấy dòng nước ồ ạt chảy trên những tảng đá. Tâm trí của chúng ta không nhận thức được những gì đang có. Mỗi người nhìn thấy và phản ứng khác nhau với cùng một dòng suối, theo thái độ riêng biệt của họ – mạo hiểm, sợ hãi, ...

Thái độ mà chúng ta mang theo trong suốt cuộc đời có một số nguồn gốc: đầu tiên, chúng ta đến thế giới này với những khuynh hướng di truyền nhất định đối với sự thù địch, tham lam. Cảm thông hoặc lòng tốt.

Chúng ta có thể nhận thấy những khác biệt này, ví dụ, trong trường hợp của những đứa trẻ nhà Chekhov (chi tiết ở đây), tất cả đều phản ứng với những hình phạt như nhau về thể chất của người cha. Ở lứa tuổi rất sớm, Anton đã bộc lộ một thái độ mỉa mai hơn, có xu hướng chế giễu thế gian và nhìn mọi thứ từ một khoảng cách (giống như 'chánh niệm' trong Phật giáo). Điều này giúp ông dễ dàng đánh giá lại cha mình hơn khi ông sống tự lập. Những người con khác thiếu khả năng tự tạo khoảng cách này và dễ dàng vướng vào sự tàn bạo của người cha. Điều này dường như chỉ ra điều gì đó khác biệt trong cách thức kết nối của bộ não của Anton. Một số trẻ em tham lam hơn số khác – chúng thể hiện từ sớm một nhu cầu được chú ý nhiều hơn. Chúng có xu hướng luôn nhìn thấy những gì còn thiếu, những gì chúng không nhận được từ người khác.

Những gì chúng ta phải hiểu về thái độ không chỉ là cách nó tô màu cho nhận thức của chúng ta mà cả cách nó chủ động quyết định những gì xảy ra với chúng ta trong cuộc sống – sức khỏe, mối quan hệ giữa chúng ta với mọi người, và sự thành công. Thái độ của chúng ta chứa sẵn một động năng tự hoàn thành.

Hãy nhìn lại kịch bản về chàng trai ở Paris. Cảm thấy hơi căng thẳng và bất an, anh phản ứng một cách phòng thủ với những sai lầm mà anh mắc phải khi học ngôn ngữ. Điều này khiến anh khó học hơn, từ đó dẫn tới việc gặp gỡ mọi người trở nên khó khăn hơn, khiến anh cảm thấy bị cô lập hơn. Năng lượng của anh càng giảm sút do trầm cảm, chu kỳ này càng tự kéo dài ra. Sự bất an của anh cũng có thể đẩy mọi người ra xa.

Cách chúng ta nghĩ về mọi người có xu hướng tác động tới họ. Nếu chúng ta cảm thấy thù địch và phê phán, chúng ta có xu hướng khơi gợi những cảm xúc phê phán ở người khác. Nếu chúng ta cảm thấy phải phòng thủ, chúng ta khiến cho người khác cảm thấy họ cũng cần phải phòng thủ. Thái độ của chàng trai có xu hướng khóa chặt anh vào động năng tiêu cực này.

Mặt khác, thái độ của cô gái kích hoạt một động năng tích cực. Cô có thể học tiếng Pháp và gặp gỡ mọi người, tất cả đều nâng cao mức độ tâm trạng và năng lượng của cô, khiến cô trở nên lôi cuốn và thú vị hơn đối với những người khác...

Dù thái độ có nhiều loại và pha trộn lẫn nhau, thông thường chúng ta có thể phân loại chúng là tiêu cực và thu hẹp hoặc tích cực và mở rộng. Những người có thái độ tiêu cực có xu hướng hoạt động từ vị trí cơ bản của sự e sợ đối với cuộc sống. Một cách vô thức, họ muốn giới hạn những gì họ nhìn thấy và trải nghiệm để có thể kiểm soát nhiều hơn. Những người có thái độ tích cực có cách tiếp cận ít e sợ hơn nhiều. Họ cởi mở với những trải nghiệm, ý tưởng và cảm xúc mới.

Thái độ giống như ống kính máy ảnh hướng vào thế giới của chúng ta, thái độ tiêu cực sẽ thu hẹp khẩu độ của ống kính này và thái độ tích cực sẽ mở rộng nó hết mức có thể. Chúng ta có thể di chuyển giữa hai cực này, nhưng nhìn chung chúng ta có xu hướng nhìn thế giới bằng một ống kính khép kín hơn hoặc mở rộng hơn.

Để  thay đổi thái độ của bản thân

Thứ nhất, bạn phải ý thức được thái độ của chính mình và cách nó bóp méo nhận thức của bạn. Khó mà quan sát điều này trong cuộc sống hằng ngày của bạn bởi vì nó quá gần gũi với bạn, nhưng có nhiều cách để nhìn nhanh nó trong hành động. Bạn có thể nhìn thấy nó trong cách bạn đánh giá mọi người khi họ không hiện diện trước mặt bạn.

Bạn có nhanh chóng tập trung vào những phẩm chất tiêu cực và những ý kiến tồi tệ của họ không, hay bạn khoan dung và tha thứ hơn khi nói đến sai sót của họ? Bạn sẽ nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng của thái độ của bạn trong cách bạn đối mặt với nghịch cảnh hay sự phản kháng. Bạn có nhanh chóng quên đi hoặc che đậy bất kỳ sai lầm nào của chính mình hay không? Bạn có đổ lỗi cho người khác theo bản năng về bất kỳ điều xấu nào xảy ra với bạn hay không? Bạn có sợ bất kỳ loại thay đổi nào hay không? Bạn có xu hướng duy trì những thói quen và tránh né bất cứ điều gì bất ngờ hoặc bất thường hay không? Bạn có sửng cồ lên khi người nào đó thách thức những ý tưởng và giả định của bạn hay không?

Bạn cũng sẽ bắt gặp những dấu hiệu của nó trong cách mọi người phản ứng với bạn, đặc biệt là theo một cách thức phi ngôn từ. Bạn có bắt gặp họ đang lo lắng hay phòng thủ trước sự hiện diện của bạn không? Bạn có xu hướng thu hút những người đóng vai mẹ hoặc cha trong cuộc sống của bạn không?

Một khi bạn có một cảm giác tốt đối với cấu trúc của thái độ của chính mình, xu hướng tiêu cực hoặc tích cực của nó, bạn có nhiều khả năng hơn để thay đổi nó, để di chuyển nó theo hướng tích cực.

Thứ hai, bạn không chỉ cần phải ý thức được vai trò của thái độ mà còn phải tin vào khả năng tối cao của nó trong việc thay đổi hoàn cảnh của bạn. Bạn không phải là một con tốt trong một ván cờ do người khác kiểm soát; bạn là một đối thủ tích cực có thể di chuyển các quân cờ theo ý muốn và thậm chí viết lại các luật chơi.

Hãy xem sức khỏe của bạn như một vấn đề phụ thuộc phần lớn vào thái độ của bạn. Khi cảm thấy phấn khích và cởi mở để phiêu lưu, bạn có thể khai thác nguồn dự trữ năng lượng mà bạn không biết rằng mình có sẵn. Tâm trí và cơ thể là một, và những ý nghĩ của bạn ảnh hưởng đến các phản ứng thể lý của bạn. Mọi người có thể khỏi bệnh nhanh hơn nhiều thông qua mong muốn và ý chí.

Bạn không được sinh ra với trí thông minh cố định và những giới hạn cố hữu. Hãy xem bộ não của bạn như một cơ quan kỳ diệu có cấu tạo để dành cho việc học hỏi và cải thiện liên tục, tới tận tuổi già. Các kết nối thần kinh phong phú trong não, năng lực sáng tạo của bạn, là thứ bạn cần phát triển đến mức bạn có thể mở ra cho mình những trải nghiệm và ý tưởng mới.

Hãy xem những trở ngại và thất bại như những phương tiện để học hỏi và củng cố bản thân. Bạn có thể vượt qua bất cứ điều gì với sự kiên trì. Hãy xem cách mọi người đối xử với bạn như một vấn đề phần lớn phát xuất từ chính thái độ của bạn, một thứ bạn có thể kiểm soát.

Đừng ngại phóng đại vai trò của sức mạnh ý chí. Đó là một sự cường điệu có mục đích. Nó dẫn đến một động năng tự hoàn thành tích cực, và đó là tất cả những gì bạn cần.

Hãy xem việc định hình thái độ này như một sáng tạo quan trọng nhất của bạn trong cuộc sống, và không bao giờ xem nó là việc ngẫu nhiên.

Nguồn: MakeBetter tổng hợp từ sách.