Tiền đã hoạt động như thế nào?

Tiền đã hoạt động như thế nào?
Photo by Josh Appel / Unsplash

Giá trị của tiền vỏ ốc và đồng đô-la chỉ nằm trong trí tưởng tượng thông thường của chúng ta. Giá trị của chúng không nằm trong cấu trúc hoá học của những cái vỏ ốc và tờ giấy, hay màu sắc và hình dáng của chúng. Hay nói cách khác, tiền không phải là một thực tại vật chất – nó là một khái niệm tâm lý. Nó hoạt động bằng cách biến đổi từ vật chất thành tinh thần.

Nhưng tại sao nó lại thành công? Tại sao bất kỳ ai cũng sẵn sàng đổi những cánh đồng lúa màu mỡ để lấy một nhúm tiền vỏ ốc vô dụng? Tại sao bạn sẵn lòng lật bánh hamburger, bán bảo hiểm sức khỏe hay trông coi ba đứa trẻ ngỗ ngược đáng ghét, khi mà tất cả sự cố gắng của bạn chỉ đổi lại được một vài tờ giấy màu sắc sặc sỡ?

Con người sẵn sàng làm những việc như vậy khi họ tin tưởng vào những điều tưởng tượng của trí tưởng tượng tập thể của họ. Lòng tin là một dạng vật chất thô, mà từ đó tất cả các loại tiền được đúc ra. Khi một nông dân giàu có bán tài sản của mình để đổi lấy một bao tải tiền vỏ ốc và mang chúng theo đến vùng đất khác, ông ta tin tưởng rằng, khi tới đích của mình, những người khác sẽ sẵn sàng bán cho ông ta thóc gạo, nhà cửa và những cánh đồng để đổi lấy những đồng tiền vỏ ốc.

Như vậy, tiền là một hệ thống của sự tin cậy lẫn nhau, và không chỉ có vậy: tiền là một hệ thống phổ quát nhất và hiệu quả nhất của sự tin cậy lẫn nhau từng được phát minh ra. Sự tin tưởng này đã được sinh ra bởi một mạng lưới vô cùng phức tạp và dài hạn của các mối quan hệ chính trị, xã hội và kinh tế.

Tại sao tôi lại tin vào tiền vỏ ốc hoặc đồng tiền vàng hoặc đồng đô-la? Bởi vì những người hàng xóm của tôi cũng tin vào chúng. Những người hàng xóm của tôi tin vào chúng là do tôi cũng tin vào chúng. Chúng ta tin vào chúng bởi vì đức vua của chúng ta tin vào chúng và đòi thu chúng dưới dạng thuế, và bởi vì vị linh mục của chúng ta tin vào chúng và đòi thu chúng dưới dạng thuế thập phân.

Hãy cầm tờ đô-la lên và xem xét thật kĩ. Bạn sẽ thấy nó chỉ là mẩu giấy đầy màu sắc với chữ ký của Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ ở một mặt và khẩu hiệu “Chúng ta tin vào Chúa” ở mặt còn lại. Chúng ta chấp nhận việc dùng đô-la làm thanh toán, vì chúng ta tin vào Chúa và vào Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ.

Vai trò chủ yếu của sự tin tưởng lý giải tại sao những hệ thống tài chính của chúng ta lại ràng buộc chặt chẽ đến vậy với các hệ thống chính trị, xã hội và ý thức hệ, tại sao những cuộc khủng hoảng tài chính lại thường bị châm ngòi bởi những diễn biến chính trị, và tại sao thị trường chứng khoán có thể lên hoặc xuống phụ thuộc vào việc những người giao dịch chứng khoán cảm thấy ra sao vào một buổi sớm mai nào đó.

Ban đầu, khi phiên bản đầu tiên của tiền được tạo ra, con người không có được loại niềm tin này, vì vậy cần phải xác định tất cả những thứ có giá trị thực chất bên trong là “tiền”. Một ví dụ rất hay là loại tiền đầu tiên trong lịch sử, tiền lúa mạch của người Sumer. Nó ra đời ở Sumer khoảng năm 3000 TCN, cùng thời gian, địa điểm và trong cùng một hoàn cảnh với sự xuất hiện của chữ viết. Giống như chữ viết phát triển để đáp ứng những nhu cầu tăng cường các hoạt động hành chính, tiền lúa mạch phát triển để đáp ứng những nhu cầu tăng cường các hoạt động kinh tế.

Tiền lúa mạch đơn giản chỉ là lúa mạch – lượng lúa mạch cố định được dùng làm thước đo phổ quát cho việc đánh giá và trao đổi tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ. Đơn vị đo lường phổ biến nhất là sila, tương đương với xấp xỉ 1 lít. Những cái bát định chuẩn, thể tích 1 sila, được sản xuất đại trà để bất cứ khi nào con người cần mua hoặc bán thứ gì đó, họ sẽ dễ dàng đong ra lượng lúa mạch cần thiết.

Tiền lương cũng vậy, được ấn định và trả bằng những sila lúa mạch. Một lao động nam có thể kiếm được 60 sila mỗi tháng, một lao động nữ có thể kiếm được 30 sila. Một đốc công có thể kiếm được từ 1.200 đến 5.000 sila. Một đốc công ăn nhiều nhất cũng không thể tiêu thụ được hết 5.000 lít lúa mạch một tháng, nhưng ông ta có thể dùng những sila không ăn hết để mua tất cả các loại hàng hoá khác – dầu, dê, nô lệ và lương thực nào đó ngoài lúa mạch.

Cho dù lúa mạch có giá trị nội tại, song cũng không dễ thuyết phục mọi người dùng nó như tiền chứ không phải chỉ là một loại hàng hoá khác. Để có thể hiểu được tại sao, hãy nghĩ đến những gì sẽ xảy ra nếu bạn mang một bao tải đầy lúa mạch đến trung tâm mua sắm, và tìm cách mua một cái áo sơ mi hoặc một chiếc pizza. Những người bán hàng có thể sẽ gọi bảo vệ.

Nhưng làm cho người ta tin vào lúa mạch như là một dạng tiền đầu tiên vẫn còn có phần dễ hơn, bởi vì lúa mạch có một giá trị sinh học cố hữu. Con người có thể ăn nó. Nhưng mặt khác, rất khó tích trữ và vận chuyển tiền lúa mạch. Bước đột phá thực sự trong lịch sử tiền tệ xuất hiện khi con người đặt niềm tin vào loại tiền không có giá trị cố hữu, nhưng dễ tích trữ và vận chuyển hơn. Loại tiền như vậy xuất hiện ở vùng Lưỡng Hà cổ đại vào giữa thiên niên kỷ 3 TCN. Nó là đồng shekel bạc.

Một shekel bạc không giống như đồng tiền kim loại, mà đúng hơn là 8,33 gram bạc. Khi Bộ luật Hammurabi tuyên cáo một người ưu tú nếu giết một nữ nô thì phải trả cho người chủ của cô ta 20 shekel bạc, có nghĩa là ông ta phải trả 166 gram bạc, chứ không phải là 20 đồng tiền kim loại. Hầu hết các thuật ngữ tiền tệ trong Cựu Ước là nói về bạc chứ không phải nói về đồng tiền kim loại. Những người anh em của Joseph bán đứng ông cho những người Ishmael với giá 20 shekel bạc, hay 166 gram bạc (bằng giá của một nữ nô, vì ông cũng chỉ là một thanh niên mà thôi).

Không giống như sila lúa mạch, shekel bạc không có giá trị cố hữu. Bạn không thể ăn bạc, uống bạc hay mặc bạc lên người, vả lại nó cũng quá mềm nên không làm ra được những dụng cụ hữu ích – những lưỡi cày hay những thanh gươm bằng bạc sẽ nhăn nhúm giống như làm từ những lá nhôm vậy. Nếu được chế tác thành cái gì đó, thì vàng và bạc thường được dùng để tạo tác thành đồ trang sức, vương miện và các biểu tượng về địa vị xã hội khác – những mặt hàng xa xỉ mà các thành viên của một nền văn hoá nhất định đánh đồng với địa vị xã hội cao. Giá trị của nó thuần túy mang tính văn hoá.

Kim loại quý với một trọng lượng được ấn định cuối cùng cũng dẫn tới sự ra đời của tiền kim loại. Tiền kim loại đầu tiên trong lịch sử được Vua Alyattes của Lydia, phía tây xứ Anatolia, đúc năm 640 TCN. Những đồng kim loại này chứa hàm lượng vàng, bạc được ấn định, và được khắc nhận dạng. Dấu khắc này biểu thị hai điều. Thứ nhất, nó cho biết hàm lượng kim loại quý chứa trong đồng tiền. Thứ hai, nó xác định cơ quan chức trách nào phát hành ra đồng tiền cũng như đảm bảo giá trị của chúng. Hầu hết tất cả các đồng tiền kim loại được sử dụng ngày nay đều là hậu duệ của những đồng kim loại tại Lydia.

Đồng tiền kim loại có hai lợi ích quan trọng so với những thỏi kim loại không khắc. Thứ nhất, khi tiến hành giao dịch, người ta phải cân lên những thỏi kim loại này. Thứ hai, chỉ cân thôi cũng chưa đủ. Làm thế nào để người thợ giày biết được thỏi bạc tôi trả công cho ông ta để lấy đôi giày của mình đúng là được làm bằng bạc nguyên chất chứ không phải làm bằng chì mạ một lớp bạc mỏng bên ngoài? Tiền kim loại sẽ giải quyết những vấn đề này. Dấu khắc trên chúng sẽ chứng minh được giá trị chính xác của chúng, vì vậy người thợ giày không phải đặt cái cân lên quầy tính tiền của mình. Quan trọng hơn, dấu khắc trên đồng xu là dấu hiệu của một số quyền lực chính trị đảm bảo cho giá trị của nó.

Xuyên suốt lịch sử, hình dạng và kích thước của những dấu khắc có sự khác biệt rất lớn, nhưng thông điệp thì vẫn luôn như vậy: “Ta, Đức Vua vĩ đại như thế... như thế... lấy danh nghĩa cam kết rằng đồng kim loại này chứa chính xác 5 gram vàng. Nếu ai đó dám làm giả đồng kim loại này, có nghĩa là kẻ đó đang mạo danh ta, đây là một sự sỉ nhục cho danh tiếng của ta. Ta sẽ trừng phạt tội đó bằng hình phạt khắc nghiệt nhất”. Đó là nguyên nhân tại sao việc làm giả tiền luôn được xem như một tội trạng nghiêm trọng hơn so với các hành động lường gạt khác.

Làm tiền giả không chỉ là lừa dối, nó là sự xâm phạm quyền lực tối cao, một hành động lật đổ quyền lực, đặc quyền và danh dự của nhà vua. Luật gọi đó là tội phạm thượng (khi quân), và thường sẽ bị trừng phạt bằng tra tấn và tử hình. Chừng nào dân chúng còn tin vào quyền lực và sự chính trực của nhà vua, là họ còn tin vào đồng tiền kim loại của ngài. Những người hoàn toàn xa lạ có thể dễ dàng tin vào giá trị của một đồng denarius La Mã, bởi vì họ tin vào quyền lực và sự chính trực của Hoàng đế La Mã, người mà danh tính và chân dung được điêu khắc trên đó.

Ngược lại, uy quyền của Hoàng đế dựa trên những đồng denarius. Thử nghĩ xem sẽ khó khăn dường nào khi phải duy trì Đế chế La Mã nếu không có tiền kim loại – nếu Hoàng đế phải thu thuế và trả lương bằng lúa mì và lúa mạch. Ông ta sẽ không thể tiến hành thu thuế lúa mạch ở Syria, vận chuyển chỗ đó về ngân khố trung tâm tại Rome, rồi lại vận chuyển chúng đến Anh để trả lương cho những quân đoàn La Mã ở đó. Cũng sẽ rất khó duy trì Đế chế La Mã nếu cư dân Rome tin tưởng vào đồng tiền vàng, nhưng cư dân Gaul, Hy Lạp, Ai Cập và Syria lại bác bỏ niềm tin ấy, thay vào đó, họ tin tưởng vào những đồng tiền vỏ ốc, những chuỗi hạt ngà voi hay những súc vải.

Nguồn: Tổng hợp từ sách

Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!