Trò chơi diễn vở kịch cuộc sống

Trò chơi diễn vở kịch cuộc sống
Photo by Felicia Buitenwerf / Unsplash

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, Ta là ai trên cõi đời này? Ta của hiện tại có phải là ta hay không? Hình dáng của ta mà ta biết từ trước đến giờ có phải là ta hay không? Không. Ta là sự tồn tại mang tính xã hội, tất cả mọi thứ đều chỉ là nhà giam của ngã tưởng.

Ta là ai? Tất nhiên ta mà ta biết ấy luôn không ngừng biến đổi tuỳ thuộc vào tình huống, hoàn cảnh và thời điểm. Ở công ty, ta có thể là giám đốc, trưởng phòng hay nhân viên; về đến nhà, ta là ông/bà, cha/mẹ, là con cái... Và những lúc đó, vị thế của ngã tưởng lại thay đổi. Tuỳ theo từng hoàn cảnh ta sẽ có việc phải làm là diễn đúng vai của mình ngay tại đó. Vai trò của ta thường xuyên thay đổi, ta là khách hàng khi bước chân vào cửa hàng, ta là người phục vụ khi ta là người bán hàng. Mỗi giây phút, bản ngã ta đều diễn những vở kịch phù hợp với từng hoàn cảnh.

Tuy nhiên, đặc tính của những vai diễn đó là gì? Liệu có tồn tại một loại vai diễn thể hiện bản ngã nguyên thuỷ của ta, đáng để ta thốt lên rằng "bản chất của ta chính là đây" hay không? Câu trả lời là không. Nó đơn giản chỉ là sự đổi vai liên tục. Chính trò chơi diễn kịch, trò chơi phân vai mà ở đó vai diễn thay đổi không ngừng tuỳ theo hoàn cảnh này là hiện thực sống động trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Việc thể hiện tốt vai diễn trong vở kịch tình huống này trở nên vô cùng quan trọng trong cuộc sống.

Việc nhập tâm hoàn toàn vào vai diễn trong cuộc sống có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa rằng mỗi khi được cuộc sống phân vai thì ta phải dồn hết tất cả mọi năng lượng mà ta có để hoá thân vào vai diễn thật tốt. Giây phút đó, hành động và vai diễn phải hoà vào làm một. Vai diễn đó là sự lựa chọn tối ưu nhất mà ta có thể thực hiện được trong cuộc sống.

Diễn viên giỏi là người mỗi khi đóng mỗi bộ phim đều có thể nhập tâm vào vai diễn của mình, hoà là một với nhân vật, hoá thân thành chính nhân vật. Và sau khi bộ phim kết thúc, người diễn viên nhận được vai diễn mới trong một bộ phim khác, người đó phải biết quên đi vai cũ và lại hoá thân thành nhân vật mới, vai diễn mới.

Tuy nhiên, có một điều ta cần lưu ý trong trò chơi diễn vở kịch gọi là cuộc sống này, đó là khi được phân vai, ta cần tỉnh táo nhận thức và cố gắng hết sức để hoàn thành vai diễn, nhưng không được nhầm lẫn vai diễn đó chính là ta. Ta không được đánh đồng giữa bản thân và vai diễn chỉ được thể hiện trong thời gian ngắn. Dù ta có hoàn thành vai diễn đó với sự tập trung cao độ nhưng cũng không có nghĩa ta được nổi lòng tham chiếm lấy vai trò đó. Về bản chất, vai diễn đó không phải là ta. Nó chỉ là thứ ta hoá thân trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi.

Đây chính là thực tiễn khiến ta phải giữ tinh thần tỉnh táo và chăm chú quan sát. Vào giây phút ta vuột mất nó, cuộc sống sẽ bị đặt vào tình cảnh phải đối mặt với những khổ đau và phiền não. Với việc coi vai diễn cũng chính là bản thân, ta đang lao vào nhà tù thô kệch của ngã tưởng.

Bây giờ, hãy cùng ngẫm lại xem liệu ta có đang hiểu lầm rằng công việc hay vai diễn mà ta đang diễn cũng chính là ta hay không.

Có một người làm quản lý lâu năm trong một công ty lớn đã về hưu chia sẻ rằng: "Tôi đã gắn bó với công việc quản lý gần 25 năm nhưng đến giờ vẫn chưa rõ mình đã làm gì và đến được ngày hôm nay như thế nào. Tôi không nhìn về phía sau hay sang bên cạnh, chỉ cố sống cố chết nhìn về phía trước mà lao tới. Tôi những tưởng rằng mình đang sống tốt và làm tốt vì gia đình, vì công ty. Sự thành công và thăng tiến ở công ty là trọng tâm trong cuộc sống của tôi suốt thời gian đó. Tôi chưa được đi du lịch cùng gia đình với tâm trạng nhẹ nhõm một lần nào. Trong trí nhớ của tôi, những ngày cuối tuần không bao giờ thảnh thơi bởi một núi chồng chất công việc đang đợi giải quyết. Ngày thường, tôi chưa kịp trò chuyện với những đứa con của mình thì chúng đã lớn vổng lên từ bao giờ để giờ đây cảm giác ngượng ngùng vẫn len lỏi giữa chúng tôi. Bây giờ khi tôi thức tỉnh và muốn nói chuyện với con thì chúng đã không còn cần tôi nữa. Tôi không biết mình đã sống như thế nào, không biết cái gì là đúng nữa."

Câu chuyện trên không có ý khuyên rằng đừng nên quá chăm chỉ làm việc ở công ty. Nó có ý rằng ở công ty ta làm việc hết mình nhưng sau khi tan làm, hãy đặt công việc sang một bên, về nhà, hãy trở thành người chồng, người cha và làm tốt nghĩa vụ của mình.

Đối với con người thời hiện đại, 24 tiếng một ngày là qúa ít. Họ sẵn sàng hi sinh những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, thậm chí là cuộc sống của bản thân để tập trung vào công việc và coi rằng đó là điều đương nhiên. Liệu điều đó có đúng đắn?

Những người không làm tròn chức trách của người chồng, người cha ở nhà sau khi tan làm thì cũng không thể tập trung hoàn toàn vào công việc ở công ty. Bởi vì họ làm việc không đơn thuần từ ý chí muốn cống hiến, mà làm việc dựa trên ngã tưởng hay còn gọi là tham vọng, nỗi ám ảnh. Họ làm việc không phải muốn làm tròn vai diễn mà cuộc sống phân công, họ làm việc trong trạng thái có can thiệp của ham muốn tư lợi cá nhân mang tên ngã tưởng. Tuy nhiên, nếu một người "làm việc không ham, không ám ảnh", làm trọn nhiệm vụ được cuộc sống giao phó một cách đơn thuần, không có sự can thiệp của ngã tưởng hay tham vọng, thì người đó cũng có thể hoàn thành tốt vai trò của mình với tư cách một thành viên trong gia đình sau giờ tan làm. (Nhưng việc này không hề dễ dàng).

Khi ta ngộ ra được sự thật đó thì cũng là lúc ta có thể sống với tư cách một sự tồn tại đơn thuần chứ không phải tư cách một vai diễn nào cho mỗi phút giây đó. Bố mẹ đối với con cái cũng tương tự như vậy. Ta phải thiết lập được mối quan hệ tự nhiên nhất giữa một sự tồn tại đơn thuần với một sự tồn tại đơn thuần khác mà không đánh đồng vai diễn, càng không có những định kiến thông thường giữa con cái và bố mẹ như "con cái phải nhất nhất nghe lời cha mẹ".

Nếu làm được vậy, việc gặp gỡ của mọi sự tồn tại đơn thuần sẽ trở thành một trang của sự trưởng thành, của sự giao cảm sâu sắc về mặt tinh thần. Chỉ khi ta thực hiện vai diễn mà không đồng nhất nó với chính bản thân mình thì mọi mối quan hệ mới trở nên vô tư, cuộc sống tinh thần mới bắt đầu tiến bộ.

Hãy thu hồi những lầm tưởng rằng nó là ta. Khi thực hiện vai diễn, hãy giữ khoảng cách tâm hồn mình với vai diễn đó. Vai diễn chỉ là vai diễn, không phải là ta. Nếu vậy vai diễn thật sự cho ta là gì? Không phải vai diễn giả tạo hay sự phân vai, ta thực sự là ai?

Khi ta thực hiện vai diễn trong từng khoảnh khắc trong trạng thái tỉnh táo, vô tư, không bị ám ảnh bởi vai diễn thì ta sẽ tìm được lời câu trả lời. Việc ta làm để tìm được chính mình chỉ có vậy. Đó chính là con đường, con đường của ta, con đường của thành công và hạnh phúc.

Nguồn: Tổng hợp từ sách.