Tư duy binh pháp: Cách để chiến thắng trong cuộc đời

Chơi cờ giỏi cần tính trước nhiều nước cũng giống như tư duy binh pháp trong đánh trận
Photo by JESHOOTS.COM / Unsplash

Cuộc sống cũng giống như đánh trận. Đánh trận có binh pháp thì cuộc sống cũng có thể áp dụng được Tư duy binh pháp. Làm sao để tránh rủi ro? Làm sao để nắm lấy khi thời cơ đến? Làm sao nắm quyển chủ động để đảm bảo sự phát triển lâu dài bền vững tốt đẹp hơn?

Một số linh hồn đến với nhân gian vào một ngày trời xanh nắng ấm, họ sinh ra là để hưởng thụ, là để thích đi đâu thì thì đi, du ngoạn không cần phải suy nghĩ. Một số linh hồn lại rơi vào một thế giới không lối thoát, họ sinh ra là để đấu tranh, nơi họ tồn tại là những cuộc chiến vô tận.

Chúng ta đều hi vọng bản thân được chào đời trong một gia đình như thế này: Bố mẹ đều là những doanh nhân hoặc chính trị gia, từ nhỏ đã tự do chơi đùa trong căn biệt thự rộng lớn, từ khi còn trẻ đã tiếp xúc với chính trị và kinh doanh; tiếp đó, bố mẹ cho ra nước ngoài học tập, vài năm sau trở về nước, học hỏi rèn luyện thêm mấy năm nữa, cuối cùng chúng ta được thừa kế gia sản bao gồm hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ và mạng lưới quan hệ sâu rộng.

Nếu không được vậy thì ta muốn được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu có giáo dục. Bố là giáo sư đại học, mẹ là nhà quản lý tài chính cao cấp, có học thức. Từ khi còn trong bụng mẹ đã bắt đầu nghe nhạc Mozart, tuổi thơ gắn liền với hành trình tìm tòi khám phá, sở hữu nhiều loại năng khiếu khiến bản thân tự tin thử sức. Cấp 1 và cấp 2, nhờ nắm được quy luật nhận thức và tâm lý học đã tạo cho ta khả năng tư duy và học tập. 14-15 tuổi chúng ta đã có thể suy nghĩ thấu đáo và phân biệt rõ đúng sai. 18 tuổi, dựa vào năng lực bản thân, ta thi được điểm số cao nhất và giành được học bổng nước ngoài. Con đường học tập thuận buồm xuôi gió từ cử nhân, thạc sĩ lên tiến sĩ. Và rồi, với trình độ vững vàng, ta quay trở về quê hương tự khởi nghiệp bằng kỹ thuật nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, cổ phiếu được niêm yết đã thay đổi vận mệnh của bản thân.

Nếu vẫn không được, vậy hãy cho tôi căn nhà ở mặt phố hoặc là được đền bù giải toả khoảng 25-30 tỷ, đừng để tôi cả đời làm nô lệ cho nhà cửa, sống tạm trong căn nhà thuê 10m2. Ít nhất khi đối mặt với một ông chủ tồi, tôi có thể muốn là đi mà không phải bận tâm đến cơm áo gạo tiền. Hãy khiến cõi lòng tôi bốn mùa ấm áp, mắt nhìn cây cỏ xanh tươi, hoa nở rực rỡ, yêu cả thế giới, yêu cuộc sống, yêu sinh mệnh.

Nhưng đó chỉ là may mắn của thiểu số. Còn đa số chúng ta chỉ là những con người chẳng có gì nổi bật, cuộc sống xoay quanh những nỗi lo hết sức đời thường. Một con người từ khi sinh ra đã phải không ngừng tranh đấu, đối mặt hết khó khăn này đến khó khăn khác để có thể nâng cao giá trị của bản thân và gây dựng sự nghiệp. Từng cuộc chiến nhỏ cứ thế tích tụ theo năm tháng trở thành cuộc chiến của cả đời người.

Chúng ta có thể thắng trong cuộc chiến này hay không?

Trong chiến tranh, muốn giành chiến thắng chúng ta không thể thiếu binh pháp. Tư duy binh pháp nghe có vẻ hơi kỳ lạ nhưng nó lại rất hiệu quả để khắc phục khó khăn trong cuộc sống, giải quyết những chướng ngại cuộc đời. Khi mà cuộc sống của đại đa số chúng ta đều giống như chiến trận, vậy thì nghiên cứu một chút về binh pháp là hoàn toàn hợp lý.

Tư duy binh pháp, đầu tiên phải kể đến binh pháp Tôn Tử. Vì sao khi nghiên cứu tư duy binh pháp chúng ta nhất định phải tìm hiểu về Binh Pháp Tôn Tử giữa vô vàn những kiểu binh pháp khác? Đặc điểm của Binh Pháp Tôn Tử là thay vì giảng những kỹ năng cụ thể thì nó chỉ đề cập tới đường đi nước bước trong chiến tranh. Cuộc chiến vận mệnh của chúng ta có khác nào mưa kiếm rừng thương, mà học tập, tạo mối quan hệ, tìm việc, khởi nghiệp… đều cần tới đường lối chứ không phải kỹ năng. Tức là chúng ta không cần thứ vũ khí sắc bén để sát phạt khắp nơi mà chỉ cần vận dụng trí tuệ vào cuộc sống để tạo dựng cho bản thân đường lối, phương pháp tư duy nắm chắc phần thắng trong tay.

1 - Tư duy "Thắng trước khi lâm trận"

💡
Người thắng là người chuẩn bị cho chiến thắng trước khi lâm trận, kẻ bại là kẻ gây chiến trước rồi mới tìm cách giành phần thắng trong lúc giao tranh – Binh pháp Tôn Tử.

Trong chiến tranh, quân đội bên nào thường xuyên giành được thắng lợi sẽ có tác phong làm việc biết trước sẽ thắng mới quyết định lâm trận. Còn bên thường xuyên bại sẽ bất chấp tất cả, cứ đánh đã rồi tính, vừa đánh vừa nghĩ xem làm thế nào mới có thể thắng. Phần đầu của Binh pháp Tôn Tử đã thể hiện rõ nguyên tắc này: "Chưa đánh mà nắm được phần thắng là do đã chuẩn bị chu đáo; Chưa đánh mà không nắm được phần thắng là do chuẩn bị chưa kỹ lưỡng".

Khi hành động cần hết sức tránh mạo hiểm, chưa tìm hiểu kỹ càng đã lao đầu vào, kiểu làm việc như vậy chắc chắn sẽ phải gánh lấy tổn thất, về lâu dài sẽ nhận lấy thất bại. Chúng ta thường nghe nhiều câu chuyện lừa đảo tài chính, những kẻ lừa đảo thường nói: "Tôi có cơ hội kiếm được rất nhiều tiền", còn người bị lừa thì chẳng đi tìm hiểu xem thực hư thế nào mà mù quáng tin tưởng. Kiểu lừa bịp đơn giản này thường xảy ra với người thiếu hiểu biết.

Nhưng sẽ có rất nhiều người tự thấy rằng bản thân có kinh nghiệm phong phú, học vấn cao, họ sẽ không bao giờ phạm phải loại sai lầm sơ đẳng kiểu này. Sở dĩ ta né được sai lầm kiểu này chỉ đơn giản là ta đã ghi nhớ được những kiến thức cơ bản kia mà thôi. Một người thông minh có lẽ chẳng bao giờ bị lừa đi bán hàng đa cấp nhưng vẫn có nguy cơ mắc phải loại sai lầm kiểu "kẻ bại là kẻ gây chiến trước rồi mới tìm cách giành phần thắng".  

Nguyên nhân đầu tiên là, khi chúng ta bước vào một lĩnh vực mà bản thân không có kinh nghiệm cũng như các kiến thức liên quan, chúng ta rất dễ phạm sai lầm.

Nguyên nhân thứ hai là, sẽ có lúc ta ở trong trạng thái dao động. Ví dụ như bị kích động hoặc tâm trạng sa sút những lúc như vậy ta rất dễ mắc sai lầm.

Nguyên nhân thứ ba là, kinh nghiệm chiến thắng sẽ khiến ta mù quáng. Nếu ta có những thắng lợi liên tiếp trong một khoảng thời gian, ta sẽ rất dễ rơi vào tình trạng nghĩ rằng ta giỏi giang và coi thường nguy hiểm. Điều này không ám chỉ một người xốc nổi, tính cách không thận trọng, dễ bị gục ngã, mà đáng sợ nhất là ngay cả khi một người kiên định, khiêm tốn vẫn phạm sai lầm. Thắng lợi liên tiếp làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta, khiến ta cho rằng sự việc này chẳng có gì to tát cả, khiến ta chủ quan lơ là phòng bị, chưa nghĩ đã hành động.

Nguyên nhân thứ tư là, có một số việc thật sự rất phiêu lưu. Trong cuộc sống sẽ có những chuyện mà dù ta không nắm rõ tình hình nhưng vẫn xông bừa vào thì cũng chẳng sao hết vì nó chỉ là sự việc rất đơn giản. Nhưng sẽ có những việc mang tính rủi ro cao như khởi nghiệp, đầu tư tài chính… mà một người thường xuyên chẳng tính toán, chuẩn bị gì đã lâm trận.

Trong thời đại internet, một doanh nghiệp mới thành lập đã có được khởi đầu xuất sắc, thiết kế sản phẩm hoàn hảo, khả năng vận hành mạnh mẽ, chỉ trong vòng 1-2 năm ngắn ngủi đã vươn mình trở thành công ty lớn. Cư dân mạng còn chưa hết ngỡ ngàng và kinh ngạc thì bất thình lình nghe tin: công ty phá sản. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ những trường hợp này sẽ thấy hầu hết chúng đều có chung một khuôn mẫu: Chưa chuẩn bị kỹ đã lao đầu vào hành động. Điều mà con người sợ nhất đó là chiến đấu một đời, thắng lợi vô số nhưng lại bị quật ngã chỉ sau 1 lần thất bại. Một thất bại phủi sạch tất cả thành công trước đây.

Để tránh phải đối mặt với nguy cơ trên chúng ta nhất định phải học và lĩnh hội tư duy "Thắng trước khi lâm trận", phương pháp này có một đặc điểm là: ta thường xuyên cho rằng bản thân đã lĩnh hội được nó nhưng hoá ra lại không phải. Thật ra ta chưa nắm vững nó, chưa vận dụng được nó một cách thuần thục. Sắt có độ tinh khiết 99% thì gọi là sắt, sắt có độ tinh khiết 99,9% được gọi là thép. Nắm được tương đối là một chuyện, hiểu sâu sắc và ứng dụng nhuần nhuyễn lại là một chuyện hoàn toàn khác.

2 - Thắng lợi có thể dự đoán, nhưng không thể đòi hỏi

Thời cơ chưa đến, không thể manh động

"Từ xưa, người giỏi dùng binh trước hết phải để mình không bị đánh bại, sau đó mới mong đánh bại kẻ địch. Không bị đánh bại là do mình, nhưng giành chiến thắng là do địch. Vậy nên người giỏi dùng binh có thể khiến kẻ thù không đánh bại được mình, nhưng không thể đảm bảo mình đánh bại được kẻ địch. Do đó, có thể dự đoán thắng lợi, nhưng không thể đòi hỏi thắng lợi".

Để làm được điều này cần có điều kiện tiên quyết, đó là lực lượng giữa 2 bên phải không có sự chênh lệch mang tính chất áp đảo. Trong tình huống đó, người giỏi dùng binh không được để lộ nhược điểm và sơ suất của mình, không để địch dễ dàng giành chiến thắng, đồng thời phải kiên nhẫn chờ đối phương phạm sai lầm, sau đó chớp thời cơ đánh bại họ. Để bản thân không có sơ hở, điều này hoàn toàn nằm trong tầm với.

Bản thân chúng ta có thể vững vàng kiên định, không một kẽ hở nhưng không thể kiểm soát được việc người khác có mắc sai lầm hay không. Thắng lợi có thể dự đoán chính là khiến người khác lộ ra sơ hở, chớp lấy cơ hội và giành chiến thắng. Nhưng nếu người khác không sai lầm, không để lộ chút sơ hở nào, ta chỉ có thể tiếp tục chờ đợi và giằng co. Nếu lúc này liều lĩnh tấn công, rất có thể ta sẽ để lộ ra sơ hở, trao cơ hội chiến thắng vào tay kẻ địch.

Điều này có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống của chúng ta. Trên đường đời, những yếu tố như vẻ ngoài, đặc tính xã hội, xu hướng thời đại… đều là "kẻ địch" của chúng ta. Cái gọi là "Không bị đánh bại là do mình" chính là trong cuộc đời, ta có thể kiên cường vượt qua mọi khó khăn trắc trở, nhưng không chắc chắn mình có giành được thành công vang dội hay không. Bất luận ta là người ưu tú đến mức nào, đều không thể dám chắc điều này.

Song "giành chiến thắng là do địch" tức là ta có thể giành được thành tựu to lớn hay không, phụ thuộc vào việc kẻ địch của ta có sơ hở hay không, hay thế giới này, thời đại này có cho ta cơ hội hay không. Thời Tam Quốc như Gia Cát Lượng, Chu Du, Tào Tháo, … Hay Jack Ma của Alibaba đều gặp thời mà thành công lớn.

Người bình thường hay phạm sai lầm: chúng ta không chịu cố gắng, hơn nữa việc gì cũng làm theo cảm tính. Có lẽ một ngày kia, trong đêm khuya thanh vắng, trằn trọc khó ngủ, ngoảnh đầu nhìn lại cuộc đời mình, ta sẽ cảm thấy nhạt nhẽo vô vị, trong lòng bỗng bùng lên khát vọng gây dựng sự nghiệp, gặt hái thành công. Thế là ta kích động đến mức 1-2 tháng sau liền nghỉ việc để thực hiện kế hoạch lớn lao của đời mình, mà quên bẵng câu hỏi "Thời cơ đã đến chưa?". Kiểu manh động này thông thường đều là thập tử nhất sinh. Vấn đề là, có rất nhiều người quá tự tin vào năng lực hoặc vận may của mình nên không thể nhìn thấy hiểm cảnh trong đó. Chúng ta chỉ đau đáu nghĩ rằng: "Tôi hạ quyết tâm làm việc này, tôi nhất định sẽ cố gắng hết mình, sẵn sàng đánh đổi tất cả. Bởi vậy, xác suất thành công của tôi rất lớn". Chúng ta quá tập trung vào vấn đề nội tại mà bỏ qua yếu tố môi trường và hoàn cảnh bên ngoài. Vì vậy mà chúng ta cần phải kiên nhẫn học tập và chờ thời.

Giới đầu tư tài chính có câu: "Chuyện khó khăn nhất không phải giao dịch mà là không giao dịch". Nhà đầu tư sành sỏi biết được ý nghĩa của sự chờ đợi, lúc cần "ngủ đông" tuyệt đối sẽ không ra tay.

Khi vận mệnh trao cho ta cơ hội, ta có thể nhận ra nó, đồng thời nắm bắt nó. Nhưng trước lúc đó ta nên kiên nhẫn chờ đợi.

Khi cơ hội chưa tới ta nên làm gì?

Chúng ta phải không ngừng rèn rũa bản thân trở nên mạnh mẽ, sáng suốt, không phạm sai lầm, tức là khiến bản thân "bất khả chiến bại".

Thời cổ đại, 2 đội quân chiến đấu với nhau, binh lực giữa 2 bên không quá chênh lệch. Mỗi bên một toà thành vô cùng kiên cố, vững chắc để phòng thủ, dễ thủ khó công. Nếu chúng ta là tướng quân của một bên, ta sẽ làm gì để đánh hạ thành trì của đối thủ?

Phương pháp sai lầm nhất là, sau khi uống cạn 3 chén rượu, hào khí lên ngút trời, ta liền mang quân tấn công thành trì của kẻ địch. Nếu làm thế, ta có thể bị tổn thất nặng nề, bại trận bởi vì đối phương không hề lộ ra sơ hở, ta mù quáng tấn công như vậy chẳng khác nào hành vi tự sát.

Cách làm chính xác là, trong lúc đối phương chưa lộ sơ hở, ta liền bồi đắp năng lực của mình: Mỗi ngày ta hãy nghĩ xem làm cách nào để không phạm sai lầm. Hãy huấn luyện binh lính, nâng cao khả năng chiến đấu của họ. Hãy sắp xếp lính tuần tra liên tục cả ngày lẫn đêm, tránh để kẻ địch thừa cơ tập kích. Hãy tính toán đến vấn đề nguồn nước trong thành, để phòng ngừa đối phương dùng hoả công. Hãy thôi thúc nông dân canh tác trồng trọt, nhằm đảm bảo quân lương đầy đủ. Hãy huấn luyện gián điệp để xâm nhập địa bàn của kẻ địch, sau đó thu thập tin tức.

Tóm lại, có rất nhiều việc phải làm, ngoại trừ việc tấn công lỗ mãng. Nếu kẻ địch của ta là người thông minh, anh ta cũng sẽ làm như vậy. Khi anh ta chưa trao cơ hội chiến thắng cho ta, ta cần phải kiên nhẫn chờ thời. Có thể một ngày nào đó, ta đột nhiên phát hiện trong toà thành của đối phương rất nhiều binh linh bỏ trốn và phản bội, hoặc có thể đúng lúc sét đánh trúng khi thóc của họ và thiêu rụi hơn nửa số quân lương. Đây chính là cơ hội trời cho. Kẻ địch và ông trời đã trao cho ta cơ hội ngàn vàng đó, việc ta cần làm lúc này chính là nắm bắt lấy nó, nhanh chóng tấn công và giành thắng lợi.

Xuyên suốt quá trình chờ đợi thời cơ, ta sẽ gặp 2 khó khăn:

Thứ nhất, trong quá trình tu luyện, ta sẽ rất dễ chán nản, uể oải, phiền não vì không có cảm giác thành tựu nào. Toàn những việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, quanh năm suốt tháng không gợi nổi chút cảm giác hồi hộp hay kích thích nào.

Thứ hai, ta không biết được liệu bên doanh trại của địch có xảy ra bạo loạn hay thiên tai hay không. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng chiến thắng là không thể biết. Có lẽ đối phương sẽ để lộ sơ hở hôm nay, cũng có thể là ngày mai, thậm chí ngày đó sẽ chẳng bao giờ tới. Chúng ta rơi vào một cơn khủng hoảng không thể đo đếm được: nếu chẳng may đối phương không có bất kỳ sơ hở nào, ta phải làm gì?

Trên thực tế, đây chính là nỗi khủng hoảng vẫn thường đánh úp chúng ta mỗi khi chờ đợi. Nó khiến chúng ta không thể yên lòng làm những việc cần phải làm để nâng cao năng lực. Bởi vậy chúng ta gặp rất nhiều, rất nhiều người hoặc chán chường bỏ cuộc, hoặc trở nên gấp gáp liều lĩnh sau mấy năm nỗ lực không nhận được bất kỳ cơ hội nào, cuối cùng tự chuốc lấy thất bại.

Ngẫm kỹ sẽ thấy, đa phần chúng ta không thất bại vì tố chất hay năng lực mà thất bại bởi sự sợ hãi đối với một tương lai không biết trước. Chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng, tình huống mà "ông trời vĩnh viễn sẽ không cho chúng ta bất kỳ cơ hội nào" gần như không xảy ra đâu. Kẻ địch nhất định phạm sai lầm, chúng ta chắc chắn gặp được cơ hội lớn lao, chỉ cần ta giữ vững khả năng "bất khả chiến bại" và sẵn lòng chờ đợi. Hơn nữa, trước các diễn biến bất ngờ, trước sự chuyển mình từng ngày, từng giờ của thời cuộc, khi các làn sóng và xu thế nhanh chóng ra đời, chúng ta không chỉ có một cơ hội mà rất nhiều cơ hội.

Vậy nên, chỉ cần chúng ta rèn luyện đầy đủ, để những khó khăn nhất thời không quật ngã mình, cuối cùng chúng ta sẽ có cơ hội để sải cánh vút bay.

Có điều tốc độ phát triển nhanh như vũ bão của xã hội không chỉ mang lại vô vàn cơ hội cho ta, nhưng cũng bào mòn sự kiên nhẫn của ta. Trước khi chiến thắng đối thủ, phần lớn mọi người đều đã tự thất bại trong quá trình "ngủ đông" kia rồi. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn khó cưỡng của các trò giải trí cũng góp phần làm sao nhãng tâm trí ta. Ở giai đoạn đầu đời, chúng ta không chỉ bỏ lỡ mà còn phải trơ mắt nhìn người khác tiến những bước dài trên con đường sự nghiệp của họ. Giới truyền thông liên tục tung hô vị những CEO tuổi đôi mươi khởi nghiệp đã huy động được vốn hàng triệu đô la, khiến những người tuổi 30-40 chưa chạm tay vào thành công càng cảm thấy cơ hội dành cho ta gần như không còn.

💡
Nói tóm lại, xã hội mài bóng những tấm gương "Thành đạt tuổi đôi mươi", nhưng đối với tuyệt đại đa số mọi người, câu chuyện đáng tin hơn vẫn là "Người tài thành đạt muộn". Trong binh pháp Tôn Tử, "Thành đạt tuổi đôi mươi" và "Người tài thành đạt muộn" vốn không hề mâu thuẫn, chẳng qua là thời cơ đến với mỗi người khác nhau mà thôi.

Làm thế nào để có thể né tránh rủi ro, nắm bắt cơ hội và gặt hái thành công trong cuộc đời này?

Đây là vấn đề vô cùng phức tạp, bởi thời gian càng dài, các nhân tố ảnh hưởng sẽ càng phức tạp, khiến cho các phương pháp tư duy thông thường trở nên vô dụng. Luyện tập Tư duy binh pháp đã được đúc kết qua hàng ngàn năm, chúng ta có thể coi nó như một phương pháp tư duy kiểu triết học, cung cấp những con đường an toàn giúp chúng ta thay đổi vận mệnh.

Tóm lại, trong Tư duy binh pháp có nhiều tư duy khác nhau, nhưng có 2 tư duy quan trọng nhất đó là:

01 - Tư duy Thắng trước khi lâm trận, nhắc nhở chúng ta không được hành động mà không có sự chuẩn bị, phải tính toán kỹ lưỡng mới hành động.

02 - Tư duy Thắng lợi có thể dự đoán nhưng không thể đòi hỏi, cho chúng ta biết đã dám hành động thì lại càng phải có khả năng chờ đợi, phải nắm bắt cái gì có thể làm cái gì không thể, khi không có tranh đấu phải nhẫn nại chờ đợi trong cô đơn.

Nguồn: Tổng hợp từ sách


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!