Tư duy hoán vị giúp chúng ta có thể hiểu được người khác nghĩ gì

Tư duy hoán vị giúp chúng ta có thể hiểu được người khác nghĩ gì
Photo by Bradley Pisney / Unsplash

Đa số chúng ta chỉ có thể dùng một góc độ để đánh giá vấn đề, đó là góc độ của bản thân. Đây là một bản năng đã ăn sâu bén rễ trong mỗi con người. Ta dùng một góc nhìn để đại diện cho vô số góc nhìn khác, tư duy và cái nhìn của con người đã bị góc nhìn hạn hẹp này che lấp. Chính vì vậy mà chúng ta thường không thành công trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Và để khắc phục điều này Tư duy Hoán vị sẽ là một công cụ rất hữu ích cho chúng ta.

Tư duy hoán vị dùng để chỉ việc chúng ta hiểu về cách nghĩ và cảm nhận của người khác bằng cách đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của họ, đồng thời dùng nó làm bàn đạp cho sự phát triển suy luận và hành động của bản thân. Khi ta hiểu được người khác nghĩ gì, vì sao người ta lại nảy sinh lối suy nghĩ như vậy, ta sẽ đạt được kết quả mà tư duy hoán vị mang lại.

Làm thế nào để hiểu được người khác nghĩ gì?

Khi bản thân chúng ta tự tư duy nhưng không đạt được kết quả như mong muốn thì ta cần dựa trên góc độ nhìn nhận của người khác để đánh giá vấn đề. Mỗi một vấn đề không có đúng hay sai mà do góc nhìn khác nhau thì nhận thức khác nhau.

Một trong những điểm tinh tuý của tư duy chính là góc độ nhìn nhận: nếu xuất phát từ góc độ của người khác, đó là Tư duy Hoán vị; nếu xuất phát từ góc độ khác với người bình thường, đó là Tư duy Ngược hướng; nếu xuất phát từ lối tư duy mà chẳng có bất kỳ ai nghĩ tới, đó là Tư duy Sáng tạo. Tóm lại, sử dụng càng nhiều góc độ tư duy thì ta sẽ có thêm càng nhiều phương thức tư duy.

Nhưng rất đáng tiếc, đa số chúng ta chỉ có thể dùng một góc độ để đánh giá vấn đề, đó là góc độ của bản thân. Đây là một bản năng đã ăn sâu bén rễ trong mỗi con người. Ta dùng một góc nhìn để đại diện cho vô số góc nhìn khác, tư duy và cái nhìn của con người đã bị góc nhìn hạn hẹp này che lấp.

Điểm mấu chốt là ta và người khác phải có chung hệ thống nhận thức. Mặc dù chẳng có bất cứ người nào có hệ thống nhận thức giống y người khác, nhưng để có thể nhìn nhận một vấn đề dựa trên góc độ của đối phương, ta và người kia cần phải có chung một phần nhận thức về một sự việc nào đó. Có một ví dụ đã phản ánh rất chính xác điểm này:

Liên Hợp Quốc đã phát động một cuộc thi sáng tác, họ mời các em nhỏ ở rất nhiều nơi trên thế giới như châu Âu, Hoa Kỳ, châu Phi, Trung Quốc… phát biểu cảm nghĩ của bản thân về vấn đề "Thiếu lương thực dành cho trẻ em châu Phi". Kết quả các bạn nhỏ ở các quốc gia đều không biết phải viết thế nào. Các thành viên Liên Hợp Quốc đều không thể lý giải nổi điều này và tiến hành điều tra chuyên sâu, họ phát hiện ra vấn đề như sau: trẻ em châu Âu không biết "thiếu lương thực" có nghĩa là gì; trẻ em Hoa Kỳ nghĩ rằng Hoa Kỳ chính là thế giới và không biết "châu Phi" có nghĩa là gì; trẻ em châu Phi không biết "thức ăn" có nghĩa là gì; trẻ em Trung Quốc không biết "cảm nghĩ của bản thân" có nghĩa là gì.

Nếu muốn dùng tư duy Hoán vị để lý giải suy nghĩ của người khác, ta phải có chung nhận thức với người đó. Để có chung nhận thức, ta phải có được những trải nghiệm tương tự họ, từ đó đúc rút ra một số điểm giúp cải thiện năng lực tư duy hoán vị của bản thân. Sau đây là các bước để có thể áp dụng tư duy hoán vị:

Xây dựng nhận thức chung

Thứ nhất, ta và đối phương đã có cùng trải nghiệm, nhưng trải nghiệm của ta đã lâu rồi thì ta cần phải trải nghiệm lại hoặc gợi lại trải nghiệm đó. Giả sử, ta là một trưởng phòng cũng từng là sinh viên mới ra trường, mới vào công ty làm việc, từng mù mờ khi phải đối mặt với với môi trường xa lạ, không biết làm thế nào để giải quyết tốt công việc, lo lắng, căng thẳng sợ phạm sai lầm. Nhưng vài năm sau, khi đã trở nên dày dạn kinh nghiệm, ta lại quên mất sự ngây ngô năm nào, mọi cảm xúc lo lắng, căng thẳng, hoang mang khi xưa đều đã tan biến. Vì vậy, ta không thể ngay lập tức hoán đổi tư duy, đặt mình vào vị trí nhân viên mới. Vì vậy, ta cần phải nhớ lại những trải nghiệm đã qua để có thể hiểu được nhân viên mới nghĩ gì, cần gì.

Thứ hai, nếu ta chưa từng trải qua chuyện đó, có lẽ ta cũng nên thử một chút.
Ví dụ, có một tác giả người Mỹ muốn thử trải nghiệm cuộc sống thiếu thốn, cùng khổ. Cô giấu giếm thân phận, cắt đứt liên lạc với bạn bè, mang theo 1000$ và một chiếc xe, hoà mình vào tầng lớp thấp nhất của xã hội. Thông qua đó, cô ấy dần vén lên bức màn cuộc sống mưu sinh của những người dưới đáy xã hội. Sau đó cô viết cuốn sách "Chúng ta sống ở đáy xã hội". Tác giả này là một người giàu có, trình độ học vấn cao. Nếu không có được trải nghiệm khác biệt như vậy, cô ấy sẽ khó mà đứng trên góc độ của người nghèo mà suy nghĩ. Trong nhận thức ban đầu của cô ấy, những người càng nghèo thì càng nên làm việc, càng nghèo thì càng phải nghĩ cách nâng cao trình độ của bản thân. Nhưng sau khi trải nghiệm, cô ấy phát hiện, thì ra những người nghèo ở đất nước này càng làm càng nghèo, về cơ bản, họ chẳng hề có thời gian và sức lực để nâng cao trình độ. Cuốn sách của cô ấy đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất, bởi vì có rất nhiều người không thể hiểu được những người thuộc tầng lớp thấp hơn họ đang nghĩ gì, vậy họ chỉ có thể mua sách, tham khảo trải nghiệm thực tế của cô ấy.

Thứ ba, nếu không thể tự trải nghiệm, ta có thể tìm một người có trải nghiệm để giúp mình tư duy. Rất nhiều bậc cha mẹ không thể hiểu được con cái mình nghĩ gì, kể cả họ có cố gắng hồi tưởng lại tình cảnh bản thân khi còn nhỏ cũng vô dụng. Bởi vì họ và con cái trưởng thành ở 2 thời đại khác nhau, nên tính tham khảo không cao. Vậy họ nên làm cách nào? Thay vì suy đoán về suy nghĩ của con trẻ, ta nên nhẹ nhàng hỏi han, tham khảo ý kiến từ các bạn của con, xem cách nghĩ của bọn trẻ thời nay có đặc điểm gì.

Lúc các nhà thiết kế sáng tạo ra sản phẩm nào đó, họ thường phải trải qua bước sau: Để khách hàng dùng thử trước khi sản xuất hàng loạt. Về mặt bản chất, nhà thiết kế muốn đứng trên góc độ của khách hàng để suy nghĩ là một việc vô cùng khó, vậy thì để khách hàng thử rồi đưa ra ý kiến của họ, rồi mới nắm bắt được tâm lý và suy nghĩ của khách hàng. Nếu bỏ qua bước này, rủi ro khi ra mắt sản phẩm là rất lớn. Hiện nay, ngành công nghiệp Internet về cơ bản sẽ lựa chọn chiến lược hoạt động theo cách này, đồng thời với đặc điểm tốc độ thay thế cao, khả năng cải tiến mạnh mẽ, chúng ta sẽ có thể biết được khách hàng đang nghĩ gì một cách khá nhanh và chính xác.

Khắc phục tâm lý coi mình là trung tâm

Đôi khi, cho dù chúng ta có cùng nhận thức với người khác, nhưng lại chẳng thể hình thành khả năng hoán đổi tư duy với họ. Thực tế, ai cũng có những hỷ, nộ, ái, ố riêng, đều phải ăn phải ngủ, vì vậy chúng ta sẽ có những nhận thức chung về hầu hết mọi thứ. Nhưng hoán vị tư duy vốn rất khó, vì chúng ta không thể khắc phục được tâm lý tự cho mình là trung tâm, đã quen khăng khăng bảo vệ góc nhìn đơn nhất của bản thân. Đó là bản năng của con người. Về cơ bản nó không được tính là khuyết điểm, cũng không đáng bị phê phán, nhưng nó lại gây ra ảnh hưởng rất lớn. Nếu muốn bồi dưỡng khả năng tư duy hoán vị, chúng ta nhất định phải học cách khắc phục thói quen này.

Dưới đây, là một vài bài luyện tập:
Bài 1: Thường xuyên tự hỏi "Nếu là anh ta, tôi sẽ thế nào?"
Coi mình là "anh ta" chính là một trong những cách làm suy yếu cảm giác cho mình là trung tâm. Khi đọc câu chuyện của người khác, hãy thử coi bản thân là người ấy, ở trong hoàn cảnh ấy rồi nghĩ xem nên hành động ra sao. Đây đồng thời cũng là cách để tìm hiểu và đọc sách sử.

Nhà sử học đời Tống là Lữ Tổ Khiêm nói: "Xem sử giống như đặt mình vào trong đó, nhìn thấy mặt lợi hại của sự việc và mối hoạ của thời gian, bản thân nó có những bí ẩn riêng, giúp tôi thấy được nhiều điều và suy xét bản thân nên làm gì. Xem sử theo cách này, học vấn có thể tiến bộ, tri thức có thể nâng cao, vậy mới có ích". Danh tướng đời Thanh là Tả Tông Đường lại nói: "Lúc đọc sách, chúng ta phải quan sát tỉ mỉ cách người xưa tiếp cận và xử lý một sự việc, xem họ suy nghĩ thế nào và hành xử ra sao. Cả 2 vị cổ nhân đều nói có ý tương tự nhau. Chúng ta có thể áp dụng khi đọc sách và mở rộng phương pháp tư duy này khi quan sát thực tế cuộc sống quanh ta. Theo thời gian thói quen và những điểm hạn chế của bản thân sẽ suy yếu, còn năng lực tư duy hoán vị sẽ dần được nâng cao.

Bài 2: Xây dựng ý thức tách rời
Tách bản thân ra khỏi chính mình, quan sát mình giống như người ngoài cuộc. Ví dụ tiêu biểu nhất cho loại ý thức này có lẽ là khi chúng ta cãi nhau với người khác. Trong lúc cảm xúc trở nên mãnh liệt nhất, ta sẽ hoàn toàn hiểu rõ bản thân nếu nghĩ như thế này: Một cái "tôi" khác đang cãi nhau với người trước mặt, và tôi sẽ lùi ra xa mấy bước, xem hai người cãi nhau thế nào. Như bạn đang xem phim truyền hình, thấy có 2 người đang cãi nhau vậy. Thứ cảm giác này rất kỳ diệu, giống như bạn đột nhiên to lớn hơn, linh hồn sẽ trở nên càng uyển chuyển và thoải mái.

Chúng ta có thể luyện tập mọi lúc mọi nơi. Tôi đang ngồi đánh máy trước máy tính, tôi đang là chính mình, đột nhiên cơ thể tôi trở nên bất động, sau đó linh hồn thoát khỏi xác, tôi tưởng tượng bản thân đang nhìn chằm chằm vào người đánh máy. Giả sử bạn đi làm tăng ca, tan làm, bạn cảm thấy áp lực quá lớn, sau đó bạn đi bar chơi điên cuồng, rồi về nhà nằm bẹp dí trên giường. Giờ bạn để linh hồn thoát xác, bạn nhìn thấy một người đang ngủ mê mệt, bạn lạnh lùng nhìn anh ta. Sự mê mệt, cùng cực và khổ sở của anh ta đều được bạn thu trọn trong tầm mắt.

Bài 3: Quan sát sở thích của người khác
Chúng ta quen vẫy vùng trong cuộc sống của bản thân nhưng lại chẳng thèm tiếp cận cuộc sống của người khác. Chúng ta cần luyện tập xem làm thế nào để có thể coi mình là người khác. Nhưng chúng ta vẫn chẳng biết phải luyện thế nào. Có một tiểu xảo là: trong thời gian ngắn nhất, quan sát và đoán xem người nào đó cạnh mình thích gì.

Giả sử có khách đến thăm nhà bạn, trên bàn trà đang bày một đống đồ ăn. Người khách nhanh chóng nhìn lướt qua chỗ đồ ăn đó, thời gian ánh mắt anh ta dừng lại trên mỗi món là khác nhau, thái độ hết sức tinh tế, phải cực kỳ để ý mới có thể nhận ra. Bạn phải nhìn chằm chằm vào mắt anh ta, đồng thời căn cứ vào chút thay đổi nhỏ trong biểu hiện để phán đoán xem anh ta thích hay không thích món nào. Trò chơi quan sát này rất thú vị và cũng có độ khó nhất định.

Các nhân viên bán hàng trong các cửa hàng đều sử dụng chiêu trò này. Mỗi vị khách bước vào cửa hàng, thong dong đi tới trước sản phẩm, quan sát và cầm lên xem thử. Nhân viên bán hàng sẽ suy đoán xem khách hàng thích gì, đồng thời giới thiệu các sản phẩm tương tự. Bởi điều này trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của họ, nên năng lực quan sát của họ thường rất mạnh. Các bài luyện khắc phục tâm lý "Tự coi mình là trung tâm" hay phương pháp "Xây dựng nhận thức chung", đều có thể nâng cao năng lực tư duy hoán vị và nó sẽ giúp bạn thành công hơn trong cuộc sống cũng như công việc.

Nguồn: Tổng hợp từ sách