Rèn luyện tư duy sâu: “vũ khí” hiệu quả nhất của người bình thường

Rừng sâu, cần tư duy sâu để thoát khỏi khốn cảnh đến với tương lai tươi sáng
Photo by Johannes Plenio / Unsplash

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, nhân tố quyết định sự mạnh yếu của một cá thể luôn luôn thay đổi.

Vào thời kỳ săn bắt và hái lượm, thứ quan trọng nhất đối với con người chính là sức mạnh cơ bắp, thân thể cao lớn, tráng kiện và tốc độ phản ứng mau lẹ khiến cho xác suất người tiền sử có thể bắt được con mồi sẽ lớn hơn, đồng thời tránh được tối đa khả năng bị thủ dữ tấn công.

Đến thời kỳ nông nghiệp, lao động chân tay vẫn là chủ yếu, họ cần có một cơ thể cường tráng đề vung cuốc hoặc đốn củi, nhưng cũng cần một chút kiến thức về canh tác và hoa màu.

Đến thời kỳ công nghiệp, máy móc thay thế sức lao động, thứ quan trọng nhất trong giai đoạn này đã chuyển hóa thành kiến thức về một số phương diện mà con người đang thiếu hụt, ví dụ như: thuốc nổ, y dược, công trình... khiến một số người trở thành tinh anh của xã hội.

Sau khi bước vào thời đại của mạng Internet, tri thức đã không còn xa lạ gì với chúng ta nữa, còn khả năng tư duy trở thành nhân tố mới được mọi người quan tâm theo đuổi.

Ngày nay, trong các trường học, công ty hay trong một dịp đặc biệt nào đó, mọi người đều đang nói về tầm quan trọng của khả năng tư duy. Nhưng được biết đến rộng khắp không đồng nghĩa với việc ai cũng có khả năng nắm bắt nó một cách nhuần nhuyễn. Trong suốt mấy thập kỷ qua, nhờ các cuộc thảo luận nhiệt tình và nỗ lực bước đầu của hệ thống giáo dục, một vài kiểu tư duy đơn giản đã trở nên thông dụng.

Nhưng tư duy sâu vẫn là một món hàng hiếm, và sẽ trở thành tấm vé thông hành quan trọng cho sự phát triển của các cá nhân trong thời đại này.

Thế nào là Tư duy sâu?

Để hiểu Tư duy sâu, chúng ta cần xem thế nào là Tư tư duy nông

Loại tư duy nông đầu tiên đó là, chuỗi logic hạn hẹp khiến chúng ta không thể nhận ra được chuỗi nhân quả phía sau. Ví dụ như lúc chơi cờ, ta chỉ có thể tính trước được một, hai nước; hoặc đứng trước một sự việc nào đó, ta chỉ có thể phân tích được nguyên nhân phát sinh trực tiếp nhất.

Loại tư duy nông thứ hai đó là, trong quá trình tư duy, ta chỉ có thể bắt đầu từ nơi quen thuộc nhất, thiếu tính linh hoạt trong quá trình chuyển đổi góc nhìn. Ví dụ khi chúng ta giao tiếp, lên kế hoạch, viết bài... Chúng ta thường chỉ suy xét từ góc độ của bản thân mà không thử đứng trên góc độ của người khác để xem xét, đánh giá một sự vật sự việc nào đó.

Loại tư duy nông thứ ba đó là, không có khả năng xử lý một lượng thông tin lớn và phức tạp. Nếu như trong một khoảng thời gian ngắn, chúng ta phải xử lý một lượng thông tin lớn, thì năng lực tư duy của rất nhiều người sẽ không đáp ứng được, não bộ thường xuyên bị quá tải. Nghiên cứu tâm lý học cho thấy, trạng thái quá tải thông tin này sẽ mang lại hiệu quả tư duy cực kỳ thấp, cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chứng bệnh thích trì hoãn. Không may là, phải giải quyết nhiều việc cùng lúc hoặc bị hàng loạt những tin tức rối rắm gây nhiễu loạn chính là trạng thái công việc bình thường của con người hiện đại.

Loại tư duy nông thứ tư đó là, chỉ quan tâm đến cái trước mắt, gần bên, ngắn hạn, không có những kế hoạch dài hạn, không biết nắm bắt toàn cục. Ví dụ chúng ta có thể dễ dàng tính toán kỹ lưỡng trong công việc hằng ngày, nhưng lại không thể tiến hành nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng dài hạn, từ đó lên kế hoạch cho cuộc đời mình; hoặc chúng ta thường chỉ quan tâm và nghiên cứu một cá thể, mà thiếu sự hiểu biết về mối quan hệ phức tạp giữa môi trường và cá thể, hay chúng ta chỉ chăm chăm theo dõi những sự vật sự việc đơn lẻ mà thiếu hụt nhận thức và nắm bắt về quy trình vĩ mô của toàn bộ sự vật sự việc đó. Loại tư duy nông thứ tư này chính là giới hạn và nhược điểm trong quá trình tư duy của người bình thường.

Tương ứng với nó, chúng ta có thể xem xét từ bốn phương diện để đột phá và cải thiện, đó gọi là tư duy sâu:

Tư duy sâu chính là:

  • Có được chuỗi tư duy logic, khiến chúng ta có đủ nhận thức về chuỗi nhân quả phía sau.
  • Có thể đột phá giới hạn của bản thân, có cái nhìn linh hoạt khi đối diện với một vấn đề nào đó.
  • Có thể xử lý lượng thông tin tương đối lớn, khi tiếp nhận những thông tin hỗn loạn có thể giữ vững năng lực tư duy.
  • Có thể đứng trên góc độ vĩ mô để phân tích vấn đề, nhận biết những đặc điểm sinh thái, những xu hướng dài hạn của sự vật...

Chúng ta nên dựa vào bốn phương diện kể trên để tiến hành rèn luyện khả năng tư duy sâu. Năng lực tư duy là thứ tương đối trừu tượng, nó không rõ ràng giống như việc học tập kiến thức, rằng hôm nay ta cần nắm được bao nhiêu công thức hay học thuộc được bao nhiều bài văn.

Học kỹ năng tư duy sâu cần giống như trau dồi kiến thức, phải có nội dung rõ ràng, thao tác cụ thể, không thể chỉ dừng lại ở bất kỳ khái niệm căn bản nào. Phương pháp nắm bắt khả năng tư duy nhiều lúc được hình thành dựa vào việc đi sâu vận dụng các công cụ tư duy cụ thể.

Vì vậy, để học tư duy sâu thì phải có hình mẫu, công thức rõ ràng, đồng thời phối hợp với những ví dụ, dẫn chứng cụ thể. Giống như nhà đầu tư Charlie Munger (phó chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway, ‘cánh tay phải’ của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet) từng làm khi thảo luận về khái niệm Tư duy đa ngành, ông đã vận dụng nhuần nhuyễn những gì học được vào các mô hình cụ thể của từng ngành nghề khác nhau. Điều này đã giúp ích rất nhiều cho thế hệ trẻ. Còn khi người bình thường thảo luận về các vấn đề liên quan đến danh từ của tư duy ví dụ như tư duy ngược hướng, tư duy sáng tạo... thì họ thường dừng lại ở giai đoạn miêu tả mơ hồ.

Là một người bình thường, chúng ta biết từ một cọng cỏ dại vươn lên sẽ vất vả đến nhường nào, nhìn đâu cũng thấy thiếu nguồn lực, thường xuyên phải đối mặt với khốn cảnh, căn bản chẳng thể tiến vào trường đua, bắt đầu cuộc chơi.

Khi ta không có hậu thuẫn, gia thế và thiên phú trợ giúp, thứ có thể dẫn dắt cuộc đời ta bước ra khỏi cục diện tăm tối chỉ có năng lực tư duy.

Có thể chắc chắn rằng, trong thời đại đầy áp lực và cạnh tranh khốc liệt này, nỗi lo về sự kiên cố hóa các giai tầng đang diễn ra ở khắp mọi nơi, mà tư duy sâu sẽ trở thành thứ “vũ khí” đáng tin cậy nhất để mỗi cá nhân có thể vươn lên trong thời đại này.

Nguồn: Tổng hợp từ sách


Make Better - Làm tốt hơn mỗi ngày!