Tư duy sâu: Tư duy chuỗi logic và cách áp dụng để việc giải quyết vấn đề

Lặn sâu dưới đáy đại dương để biết dưới đó có gì, cũng như tư duy sâu để biết nguyên nhân gốc rễ
Photo by NEOM / Unsplash


Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. Mỗi người trong chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình trong học tập và công việc. Khi gặp phải vấn đề không phải ai cũng có thể giải quyết nó một cách nhanh chóng nếu không có phương pháp hiệu quả.

Một số người có thể làm việc với tốc độ rất nhanh và hiệu quả, chỉ một tiếng đồng hồ là giải quyết xong công việc mà người khác mất cả ngày cũng chưa thể hoàn thành. Một số học sinh có năng lực tiếp thu kiến thức rất cao, họ không chỉ thường xuyên đứng thứ nhất trong các kỳ thi mà còn có đủ thời gian rảnh rỗi để theo đuổi đam mê, sở thích riêng.

Lý luận học thuật và kết quả thực tiễn cho chúng ta thấy, IQ không phải là nhân tố quyết định, mà là phương pháp tư duy. Những người IQ cao nhưng thiếu phương pháp tư duy sâu thường phạm phải sai lầm, còn người bình thường nếu nắm bắt được khả năng tư duy sâu lại có thể thành công.

Làm thế nào để tư duy của chúng ta trở nên ngày càng sâu sắc? Tư duy của con người vốn là một chuỗi, chuỗi tư duy này càng dài thì nhận thức của con người càng sâu sắc. Tư duy sâu khiến bạn có thể khai thác tận gốc rễ nguyên nhân của sự việc, suy đoán ra sự phát triển sâu rộng của kết quả. Tư duy logic chuỗi là một thứ vũ khí sắc bén.

Năng lực tư duy sâu sắc sẽ mang lại cho chúng ta điều gì?

Giả sử, hai công ty A và B cùng sản xuất một loại sản phẩm và cạnh tranh với nhau. Vì một số nguyên nhân, có thể là muốn tìm việc hoặc đầu tư mà ta phải xem  xét một trong hai công ty này, công ty nào sẽ phát triển tốt hơn.

Lẽ dĩ nhiên, chúng ta sẽ muốn chọn bên nào có trình độ kỹ thuật tiên tiến và ít có nguy cơ bị đào thải hơn. Tuy nhiên để đi đầu trong công nghệ là một chuyện rất khó, công nghệ cốt lõi của các đối thủ cạnh tranh đa phần đều tương tự nhau, hai công ty A và B cũng không ngoại lệ. Hoặc có thể chúng ta muốn tìm một công ty có thị phần lớn hơn, nhưng trong tình hình trước mắt thì hai công ty kể trên đều có điều kiện tương đương.

Tóm lại, tất cả các chỉ số của hai công ty này đều tương tự nhau, bao gồm chi phí và chất lượng của nguyên liệu đầu vào, các quy định, chế độ và tiêu chuẩn đánh giá nhân viên, những vấn đều gặp phải hằng ngày, khả năng và trách nhiệm của nhân viên được tuyển dụng...

Vậy làm sao ta có thể lựa chọn đúng công ty mình cần? Chúng ta cùng xem xét một kịch bản tưởng tượng như sau:

Trường hợp xảy ra ở công ty A
Một hôm, ông chủ công ty A rảnh rỗi không có việc gì làm nên đã đích thân đi kiểm tra xưởng sản xuất của mình. Và rồi, ông ấy vô tình phát hiện ra một vấn đề nhỏ trong xưởng, có một chiếc máy bỗng nhiên không hoạt động. Lẽ dĩ nhiên, ông ấy sẽ gọi thợ máy tới, anh nhân viên kia nhanh chóng thay cầu chì, chỉ mười mấy phút sau chiếc máy lại hoạt động tốt như cũ. Xong xuôi, ông chủ công ty A đã nói với quản lý và thợ máy như thế này:
"Đối với các vấn đề phát sinh hằng ngày, các anh nhất định phải giải quyết nhanh chóng, càng sớm càng tốt. Hôm nay đi xuống đây tôi mới vô tình trông thấy máy móc hỏng hóc, nên đã bảo các anh lập tức xử lý, nhưng nếu không trùng hợp như vậy thì sao, nếu tôi không rảnh rỗi xuống đây thì sẽ thế nào? Các anh có giải quyết vấn đề ngay lập tức như cách mà tôi đã làm hay không? Hay là lại rề rà cả chục phút sau mới xử lý rồi làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc? Sau này các anh phải nhanh nhẹn lên một chút, phải có trách nhiệm vào!”

Nếu đã có vài năm kinh nghiệm làm việc, thì hẳn ta sẽ chẳng thấy lạ lẫm gì trước những lời dạy bảo kiểu này của các lãnh đạo, phần lớn những người quản lý doanh nghiệp đều sẽ có phản ứng như vậy. Đương nhiên, các nhân viên thường sẽ lại có phản ứng kiểu thế này: “Đen voãi, đúng lúc có vấn đề thì lại bị sếp bắt gặp" hoặc “Em đang trên đường qua đó xử lý thì sếp đã gọi rồi, chỉ muộn có đúng một phút thôi! Thật ra sếp không cần gọi thì em cũng biết là có vấn đề mà, phòng giám sát vừa báo tín hiệu bị lỗi xong” hoặc “Thật ra, cũng chẳng phải là lỗi gì to tát, chỉ là một chiếc cầu chì bị cháy thôi mà, việc gì sếp phải làm ầm lên như vậy!”

Nếu như ta là sếp, ta sẽ cảm thấy cách nghĩ này của nhân viên thật là vô trách nhiệm. Nhưng ta phải chuẩn bị kỹ tâm lý, vì về cơ bản phần lớn các nhân viên đều sẽ có lối suy nghĩ này, kiểu nhân viên coi công ty là nhà, tận tâm tận lực, cống hiến hết sức mình cho công ty thực sự rất ít, còn lại lúc nào cũng oán trách ông chủ, lười nhác, luôn luôn tìm cách bớt xén thời gian làm việc mới là kiểu thường thấy.

Trường hợp xảy ra ở công ty B
Ông chủ công ty B cũng đi thị sát xưởng sản xuất và bắt gặp trường hợp tương tự - một chiếc máy đột nhiên ngừng hoạt động. Ông chủ B đứng một chỗ đợi tầm một, hai phút trước khi quản lý dẫn theo thợ máy chạy đến. Ông chủ B nhìn thợ máy nhanh chóng thay xong cầu chì, sau đó chiếc máy vận hành trở lại như bình thường.

Có lẽ người quản lý và người thợ máy sẽ nghĩ: "Không ngờ sếp lại ở đây, may mà mình kịp thời giải quyết vấn đề." (Tâm lý của nhân viên ở cả hai công ty đều như nhau). Ông chủ B hỏi: “Chiếc máy vừa rồi bị sao thế?”. Quản lý: “Không có vấn đề gì to tát đâu, chỉ bị cháy cầu chì thôi, thay một cái khác là lại bình thường thôi ấy mà.” (Cách giải quyết của nhân viên của hai công ty đều như nhau). Ông chủ B: “Ừ. Nhưng tại sao cầu chì lại bị cháy?". Trong lòng quản lý nghĩ: "Hả? Làm gì có cái gì gọi là tại sao, đây chẳng phải chuyện rất thường xảy ra à?". Thợ máy nói: “Cầu chì bị cháy do quá tải ạ”. Người thợ máy rất tự hào về kiến thức chuyên môn của mình.

Ông chủ B tiếp tục nói: “Nhưng vô duyên vô cớ tại sao lại quá tải?". Người quản lý và thợ máy đều không biết đáp lại thế nào. Thợ máy nói: “Điều này tôi cũng không rõ, phải tháo máy ra kiểm tra mới biết được ạ”. (Vốn chỉ định thay mỗi cái cầu chì là xong nhưng vì bị ông chủ truy hỏi nên bắt buộc phải kiểm tra kỹ hơn rồi).

Mười mấy phút sau, thợ máy đã biết được vấn đề là gì: “Sếp, em tìm ra vấn đề rồi ạ. Là do ổ trục quá khô, bị cạn dầu, lực ma sát quá lớn nên mới gây ra phụ tải lớn". Thợ máy một lần nữa lại cảm thấy rất hãnh diện vì kiến thức chuyên môn của mình. Ông chủ B gật đầu: “Rất tốt. Vậy tại sao lại bị khô? Là do hết dầu à?”. Thợ bảo trì liếc nhìn chiếc máy một cái: “Dầu thì vẫn còn nhiều, nhưng bơm dầu không hoạt động”. Ông chủ B: “Tại sao bơm dầu không hoạt động, nó bị sao thế?”

Thợ máy nghiên cứu một lúc rồi nói tiếp: "Trục của bơm dầu bị mòn, bị lỏng ra rồi, nên mới không hoạt động, vì thế mà không hút được dầu”. Người quản lý đứng cạnh nãy giờ không nói gì, giờ có vẻ đã thông minh hơn bèn chủ động hỏi: "Vậy vì sao trục của bơm dầu lại bị mòn? Tuổi thọ lý thuyết của nó không phải rất dài sao, sao có thể dễ dàng bị hao mòn như vậy?”. Thợ máy trả lời: "Có rất nhiều tạp chất kiểu như vụn sắt chui vào bên trong. Tôi đoán là bị rơi ra từ phần thân máy phía trên. Bơm dầu này mới dùng được hơn một năm đã hỏng, vốn tuổi thọ lý thuyết của nó phải lên đến 5 năm cơ.”

Ông chủ B: “Tại sao phần thân máy phía trên lại có vụn sắt rơi ra?". Thợ máy: "Chuyện này không tránh được, phía trên là phần hoạt động chính, vốn dĩ lực ma sát rất lớn, không thể tránh được việc vụn sắt rơi ra. Máy nào cũng đều bị thế cả, không có cách nào để khắc phục hết, hơn nữa việc vụn sắt bắn ra cũng không làm ảnh hưởng gì đến việc vận hành của thân máy cả, nó chỉ gây ra chút hao mòn đối với phần bơm dầu phía dưới thôi”. Ông chủ B: “Vậy có cách nào để phần bơm dầu phía dưới không bị ảnh hưởng không?”. Thợ máy: “Chuyện này quá đơn giản, chúng ta có thể lắp thêm lưới lọc và định kỳ làm sạch lưới lọc thì sẽ không còn vấn đề lưới lọc thì sẽ không còn vấn đề gì nữa cả.”

Ông chủ B gật đầu, nói với quản lý và người thợ máy: “Được rồi. Mặc dù hôm nay chỉ có mỗi chiếc máy này xuất hiện vấn đề, nhưng tôi đoán các máy khác cũng sẽ gặp phải tình trạng tương tự, có đúng không? Vậy nên, các anh có thể xem xét để lắp lưới lọc cho tất cả các máy không? Ngoài ra, là người quản lý, lúc giải quyết bất cứ chuyện gì, anh đừng chỉ nhìn vào bề nổi của vấn đề, hãy đi sâu tìm hiểu nhân thực sự phía sau, chủ động hỏi thêm mấy câu ‘Tại sao?’. Tôi thấy, chuyện hôm nay cũng có thể coi như một bài học kinh nghiệm nhỉ?”

Anh thợ máy gật đầu, tâm trạng rất vui: “Cách này không đến nỗi nào, mất khoảng một tiếng đồng hồ lắp lưới lọc, về sau có thể tiết kiệm được bao nhiêu công sức. Khả năng máy móc xảy ra sự cố cũng giảm đi một nửa, mình không cần mất công sửa nữa, công việc của mình sẽ càng ngày càng nhàn hơn rồi, ha ha”.

Người quản lý thầm nghĩ: “Ông chủ đúng là vẫn ở tầm khác, hôm nay giải quyết chút vấn đề cỏn con này thôi nhưng có thể làm giảm khả năng máy móc phát sinh sự cố trên diện rộng này mình nhất định phải học theo cách tư duy của ông ấy.”

Thông qua ví dụ trên đây chúng ta có thể thấy, các tiêu chí đánh giá của 2 công ty này đều tương tự nhau, công ty nào cũng sẽ có lúc nảy sinh vấn đề, nhân viên và quản lý đều không phải là những nhân viên kiểu mẫu, họ luôn nghĩ cho lợi ích của bản thân đầu tiên và tìm mọi cách trốn tránh trách nghiệm.

Điểm khác biệt duy nhất nằm ở khả năng tư duy của người lãnh đạo.

Đối với công ty A, chắc trong tương lai vẫn sẽ nảy sinh vô số trục trặc hỏng hóc, về lâu dài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng, chi phí và chất lượng sản phẩm. Sau đó, bên cạnh việc chỉ trích nhân viên, công ty cũng dần dần đánh mất thị phần trên thị trường.

Còn công ty B, dưới sự lãnh đạo của một người có khả năng tư duy sâu sẽ liên tục giảm được chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời khiến cho năng lực của tất cả nhân viên không ngừng nâng cao, trong cuộc cạnh tranh giữa hai công ty, họ nghiễm nhiên đã chiếm ưu thế tuyệt đối.

Tư duy sâu có thể trực tiếp tiếp mang lại lợi ích cho chúng ta. Bất luận là học sinh, nhân viên làm việc, lãnh đạo quản lý doanh nghiệp hay là các nhà đầu tư tham gia đầu tư tài chính, khả năng tư duy sâu đều sẽ phát huy tác dụng to lớn giống như trong dẫn chứng kể trên.

Tư duy sâu mà chúng ta nhắc đến ở đây, nói chính xác chính là: Chuỗi tư duy logic kéo dài.

Khả năng tư duy sâu của con người có thể phân ra thành nhiều loại như: Tư duy chuỗi logic, tư duy sáng tạo, tư duy hoán vị, tư duy hệ thống… trong đó chuỗi logic là kiểu tư duy cơ bản nhất, nó là gốc rễ của những loại tư duy khác.

Tư duy chuỗi logic giống như một sợi dây xích, từ nút giao này, kéo dài tới nút giao khác, nối tiếp không ngừng, cũng giống như chứng minh mệnh đề trong toán học. Những mệnh đề chứng minh đơn giản sẽ khiến bạn từ điều kiện A suy ra kết luận B, còn những mệnh đề chứng minh phức tạp sẽ khiến bạn đi từ A suy ra B, rồi từ B suy ra C, D, E, F...

Nếu suy xét một vấn đề, tư duy thông thường sẽ dừng lại ở tầng thứ nhất hoặc thứ hai, tư duy sâu dùng để chỉ suy nghĩ ở tầng thứ ba hoặc cao hơn. Cũng giống như chơi cờ, suy nghĩ của người bình thường sẽ tính toán đến bước thứ nhất hoặc thứ hai, trong khi những người chơi chuyên nghiệp sẽ tính toán đến bước thứ 10-15.

Có thể nói, chuỗi tư duy logic của ta càng dài thì năng lực tư duy của ta càng sâu sắc. Tư duy càng sâu sắc ta càng giải quyết vấn đề tốt hơn.

Nguồn: Tổng hợp từ sách.


Make Better – Làm tốt hơn mỗi ngày!