Vì sao nỗ lực của bạn không được người khác thừa nhận

Vì sao nỗ lực của bạn không được người khác thừa nhận
Photo by Evan Dennis / Unsplash

Nếu không biết người khác đang nghĩ gì, nỗ lực của ta có thể trở nên phí công vô ích.

Mười hai giờ đêm, đèn trong văn phòng của một công ty du lịch nọ vẫn còn sáng, một nhân viên đang ngồi kỳ cạch gõ phím. Công ty họ vừa phát triển một sản phẩm mới, đối tượng nhắm đến là tầng lớp trí thức, nhân viên văn phòng. Sản phẩm mới có lộ trình ngắn ngày, đích đến là một nơi sơn thuỷ hữu tình, phong cảnh tuyệt đẹp ở Vịnh Hạ Long. Người nhân viên này đã viết ra một bản poster (áp phích) quảng cáo tuyệt vời và kế hoạch chi tiết cho sản phẩm mới. Trên bản mô tả và áp phích viết: "Cảnh đẹp vô hạn, hãy tận hưởng cuộc sống!".

Một cô nàng độc thân đã lâu, cô có một người bạn thân. Gần đây người bạn thân cuối cùng cũng gặp được ý trung nhân. Gã bạn trai nói biết bao lời ngon tiếng ngọt khiến cô bạn thân ấy vô cùng hạnh phúc. Nhưng nàng độc thân lương thiện của chúng ta bỗng phát hiện ra gã bạn trai của bạn thân mình rõ ràng là một kẻ miệng lưỡi trơn tru, lừa đảo thành thần. Mặc dù không có chứng cứ nhưng dựa vào khả năng nhìn người, cô có thể khẳng định chắc chắn 100%. Tiếc là bạn thân của cô đã bị tình yêu che mắt. Cô gái nói thẳng với bạn thân mình về vấn đề nhân phẩm của gã bạn trai kia.

Những người kể trên đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết và tình cảm cho công việc, bạn bè. Họ mong muốn có thể nhận được sự công nhận và biết ơn. Kỳ vọng của họ có thành sự thực không? E là không thể. Người nhân viên cần mẫn vất vả sớm tối có thể sẽ không nhận được phản hồi tốt của thị trường. Cô nàng độc thân lương thiện có thể không nhận được lời cảm ơn từ bạn thân, thậm chí cả hai còn có thể trở mặt thành thù. Có lẽ bạn cảm thấy mình tốt nhưng người khác lại chẳng cần.

Vì sao nỗ lực của bạn không được người khác thừa nhận?

Ở ví dụ 1, người nhân viên viết mô tả rằng: "Cảnh đẹp vô hạn, hãy tận hưởng cuộc sống!", ý muốn người đọc có thể nắm bắt được mấu chốt của vấn đề đó là phong cảnh rất đẹp, nếu khách hàng lựa chọn tham gia, họ sẽ có thể giảm bớt được mệt nhọc, hưởng thụ cuộc sống. Nhưng những người xem được bản mô tả này cảm thấy thế nào? Có khả năng họ sẽ bị kích thích và có phản ứng thế này: "Tận hưởng cuộc sống sao, haiz, muốn hưởng thụ cuộc sống thì phải có tiền, vẫn nên nỗ lực kiếm tiền thì hơn." hoặc có người sẽ nghĩ: "Cảnh đẹp vô hạn ư, haiz, tôi đang mệt chết đi được đây, vẫn còn một đống việc chưa hoàn thành, thật sự là chẳng thấy đẹp chút nào hết". Để so sánh, giả sử bài mô tả trên được viết thế này: "Bạn muốn ngồi trong văn phòng làm việc ngột ngạt, miễn cưỡng an ủi mình chỉ đang căng thẳng chút thôi, hay nằm bên Vịnh Hạ Long, hít thở bầu không khí mới mẻ?". Cách thứ hai mới thật sự gây ấn tượng với khách hàng, khiến nảy sinh cảm giác "áp lực quá đi, đi du lịch thư giãn chút thôi".

Ở ví dụ 2, cô nàng độc thân đã nhìn thấu gã bạn trai của bạn mình là một kẻ lừa bịp, có lòng tốt nói cho bạn thân biết, nhưng đứng trên lập trường của cô bạn thân thì sẽ như nào? Cô ấy cuối cùng đã tìm được tình yêu mà mình mong đợi, đúng lúc đang chìm đắm trong hạnh phúc thì bạn lại đột nhiên nói, người yêu cô ấy là một kẻ lừa bịp, hơn nữa lại chỉ dựa vào cảm quan cá nhân để đưa ra kết luận mà không có chứng cứ nào, bạn thân của bạn có thể chấp nhận sao? Ngay cả khi có rất nhiều hoài nghi, chỉ cần không có chứng cứ, rất có khả năng bạn thân sẽ nhắm mắt làm ngơ, vì con người là giống loài giỏi lừa mình dối người mà. Bạn thân rất có thể sẽ nghĩ: "Cái gì? Cậu nói anh ta lừa mình? Không thể nào, tuyệt đối không thể? Sao cậu lại nói như vậy? Chắc cậu đang ghen tỵ với mình đây mà! Cậu thật đáng ghét!". Vì vậy, bạn thân đã chẳng biết ơn mà còn trút mọi bực tức lên đầu cô gái kia. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn bè thân thiết sẽ không quá đáng như vậy, bạn đã đánh giá thấp những người có cảm xúc cực đoan vượt ra ngoài suy nghĩ thông thường rồi. Trong cuộc sống có quá nhiều trường hợp như vậy rồi, ví như sự khác nhau giữa cha mẹ và con cái, mâu thuẫn giữa bạn bè với nhau, lãnh đạo và cấp dưới bất đồng quan điểm, …

Tóm lại nếu bản thân không chuẩn bị tốt tư duy hoán vị, thì cuộc sống và công việc của bạn sẽ gặp rất nhiều vấn đề. Các trường hợp kể trên đều bởi vì thiếu khả năng tư duy hoán vị mà chỉ nhận được kết quả tiêu cực.

Làm thế nào để vận dụng Tư duy Hoán vị

Trong cuốn tiểu thuyết "Đấng cứu thế xa xôi", Hàn Sở Phong là giám đốc một tập đoàn thương mại lớn, bởi năng lực xuất chúng nên anh được tổng giám đốc tiền nhiệm vô cùng yêu mến, đề bạt làm người kế nhiệm mình. Nhưng ý kiến của tổng giám đốc không thể giải quyết nhanh gọn được bởi lai lịch của hai vị phó tổng giám đốc còn ghê gớm hơn Hàn Sở Phong nhiều, thế của họ trong công ty không hề nhỏ. Hai người họ đã ngấm ngầm tranh đấu chức tổng giám đốc từ lâu, điều này khiến Hàn Sở Phong rơi vào thế bị động. Hội đồng quản trị chỉ quan tâm đến lợi nhuận, họ không hề quan tâm đến lời đề cử của tổng giám đốc tiền nhiệm, vì vậy một người tuổi trẻ tài cao như Hàn Sở Phong không hề được ủng hộ.

Lai lịch của Hàn Sở Phong không thể sánh bằng 2 vị phó tổng vốn đã là vấn đề nan giải rồi, huống hồ Hàn Sở Phong còn không nhận được nhiều sự ủng hộ, trái ngược hoàn toàn với hai vị phó tổng có phe cánh ở khắp nơi. Trong cuộc canh tranh giữa 3 người, Hàn Sở Phong là bên yếu thế, căn bản không đấu lại 2 người kia, nhưng nếu không giành lấy chức tổng giám đốc thì lại không cam tâm.
Đứng trước tình huống bất lợi như vậy, anh ta phải làm thế nào để lật ngược tình thế? Rất may, Hàn Sở Phong có người bạn là Đinh Nguyên Anh đã giúp Hàn Sở Phong bứt ra khỏi giới hạn tư duy của mình, đứng trên lập trường của thành viên hội đồng quản trị và 2 vị phó tổng giám đốc để xem xét vấn đề.

Trong mắt các thành viên HĐQT, vấn đề là thế này:
Tôi muốn để một người có năng lực giúp tập đoàn kiếm được nhiều tiền nhất đảm nhiệm chức tổng giám đốc. Mặc dù Hàn Sở Phong có năng lực, còn được tổng giám đốc tiền nhiệm đề cử, nhưng năng lực của 2 vị phó tổng cũng rất ổn, xét về năng lực cả 3 người ngang tài, ngang sức. Mà vốn liếng và lai lịch của 2 vị phó tổng càng mạnh thì người ủng hộ họ trong tập đoàn sẽ càng nhiều, có lẽ bọn họ còn có thể khiến tập đoàn phát triển hùng mạnh hơn nữa.

Còn trong mắt của 2 vị phó tổng, vấn đề sẽ là thế này:
Thằng nhóc Hàn Sở Phong mà có tư cách tranh giành chức tổng giám đốc với mình sao? Dựa vào cái gì? Xét về lai lịch và năng lực nó có điểm nào sánh bằng mình chứ? Vị phó tổng kia nhận chức thì đã đành, để nó cưỡi lên đầu mình vậy sẽ nhục nhã đến nhường nào! Nhất định mình phải hất cẳng nó.

Nhưng nếu Hàn Sở Phong rút lui ngay từ đầu thì sao? Hãy xem xét suy nghĩ của 2 vị phó tổng sẽ thay đổi:
Hàn Sở Phong rút lui là lẽ dĩ nhiên, thực lực của cậu ta vốn đã yếu, bây giờ mình phải dốc toàn lực để đối phó với vị phó tổng kia. Làm thế nào mới có thể lật đổ anh ta đây? Phải như thế này….

Cho nên, việc Hàn Sở Phong rút lui sẽ dẫn đến sự tranh giành quyết liệt giữa 2 vị phó tổng. Nhờ vậy mà Hàn Sở Phong không giành mà thắng. Chúng ta đừng cho rằng việc tư duy hoán vị có thể thay đổi vận mệnh và giúp cho sự nghiệp đạt được thành tựu chỉ là chuyện trong tiểu thuyết. Thật ra, ví dụ về điều này trong đời thực nhiều vô số. Một lời giới thiệu có thể đi vào lòng người, một cuộc đàm phán thương mại thành công, hay thậm chí là một thiết kế sản phẩm gây kích thích đối với người tiêu dùng, đằng sau nó đều là thành công của một lần hoán đổi tư duy.

Nguồn: Tổng hợp từ sách