Vô vi - Nghệ thuật để mọi thứ diễn ra

Vô vi - Nghệ thuật để mọi thứ diễn ra
Photo by Ben White / Unsplash

Ngày xửa ngày xưa, có một người nông dân mới vào nghề say mê xem những video tạo động lực. Anh ta trở nên quen thuộc với những ý tưởng như tầm quan trọng của ‘nỗ lực’, ‘văn hóa bận rộn’‘làm hết sức, chơi hết mình’.

Sau nhiều ngày say sưa xem, anh bắt đầu với trang trại của mình, khởi động và quyết tâm làm cho nó thành công rực rỡ. Anh ta bắt đầu bằng việc nhổ bớt một số cây đi để những cây khác phát triển nhanh hơn. Nhưng điều này không hiệu quả. Tiếp đó, anh ta tưới nước cho cây nhiều gấp đôi, hy vọng làm cho chúng phát triển nhanh hơn. Nhưng việc này không làm cho cây phát triển nhanh, mà ngược lại, làm cho chúng bị ngập úng.

Sau khi cố gắng, người nông dân nhận ra rằng dù có nỗ lực đến đâu thì hành động trái ngược với thiên nhiên vẫn phản tác dụng. Bất chấp sự phát triển công nghệ và ý chí tiến bộ của nhân loại, chúng ta vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Nỗ lực của con người có những hạn chế và luôn gắn liền với thiên nhiên.

Chẳng hạn, chúng ta không thể trồng một loại cây hoàn toàn tách biệt với sự phát triển tự nhiên, mặc dù chúng ta có thể tác động và điều khiển nó ở mức nào đó.
Tác giả nổi tiếng của Đạo Đức Kinh, Lão Tử, đã nói rằng, thế giới tự vận hành. Nó không cần sự can thiệp của chúng ta. Như Lão Tử đã viết: “Khi bạn đạt đến trạng thái không hành động, sẽ không còn việc gì dang dở”. Ý tưởng này giống với cách hiểu cơ bản về khái niệm nghịch lý “vô vi”.

Nhưng khi tìm kiếm một định nghĩa về vô vi, chúng ta phát hiện ra rằng không có một ý nghĩa cố định nào cả. Một số dịch vô vi là “không hành động” hoặc “không làm gì cả”, số khác là “hành động như thể không hành động” và số khác là “hành động không cần nỗ lực”.

Chúng ta phát hiện ra rằng Đạo giáo đưa ra nhiều tầng nấc khác nhau, liên quan đến cách ‘vô vi’ có thể nâng cao mối quan hệ của chúng ta với thế giới. Và nghệ thuật cổ xưa, “hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên” này không nhất thiết khiến chúng ta trở thành những người ngoài cuộc thụ động, thiếu hiểu biết mà thực sự có thể cải thiện cách chúng ta hành động, dẫn đến kết quả tốt hơn.

Bài viết này là một nỗ lực khiêm tốn nhằm làm cho chiều sâu của ý tưởng triết học này trở nên rõ ràng và thực tế. Có lẽ cách giải thích phổ biến nhất về vô vi là điều chỉnh hành động của chúng ta theo đúng nghĩa đen, không ép buộc bất cứ điều gì và hành động khi thấy phù hợp.

Lão Tử cho rằng việc ép buộc luôn dẫn đến những rắc rối khôn lường. Với sự ép buộc, ông dường như không có ý nói ép buộc theo nghĩa đen mà là “ép buộc dòng chảy của tự nhiên”. Thiên nhiên có quy luật của nó. Nó luôn hoạt động ở chế độ nền. Nó nằm ở gốc rễ của sự tồn tại của loài người chúng ta và liên tục tạo ra và tái tạo, cái mà Đạo giáo gọi là 10.000 thứ: mọi thứ dưới thiên đường, trên thiên đường và hơn thế nữa.

Nhưng bất chấp dòng chảy khổng lồ của vũ trụ, xã hội ngày nay đặt tầm quan trọng của nỗ lực có ý thức của con người lên trên hết. Chúng ta tôn vinh nỗ lực, bất kể hiệu quả thực tế của nó là gì, vì chúng ta đặt mục tiêu luôn bận rộn mà không biết mục đích bận rộn để làm gì. Chúng ta là những Sisyphus (nhân vật trong thần thoại Hy Lạp) hiện đại, chúng ta lăn tảng đá khổng lồ lên dốc, mà không biết mục đích lăn để làm gì.

Nỗ lực là một chuyện, nhưng nỗ lực một cách thông minh lại là chuyện khác. Đúng, đôi khi làm việc chăm chỉ là cần thiết và hành động là phù hợp, nhưng trong nhiều trường hợp thì không. Nó phụ thuộc vào nhịp độ của trò chơi, vào những lá bài bạn được chia và liệu có đến lượt bạn hay không. Hành động không theo lượt có nghĩa là đi ngược lại dòng chảy của trò chơi.

Do đó, chúng ta thường trải nghiệm rằng việc “ép buộc mọi thứ” sẽ dẫn đến sự hủy hoại về lâu dài và việc đẩy vận may của chúng ta vượt quá giới hạn của tự nhiên sẽ phản tác dụng. Mặt khác, các tình huống thường tự giải quyết khi chúng ta không ép buộc hay can thiệp. Bằng cách để mọi việc diễn ra, mọi việc sẽ diễn ra một cách tự nhiên.

Ví dụ, người nông dân mới vào nghề chỉ cần để yên cho mùa màng của mình và kiên nhẫn, thiên nhiên sẽ làm phần còn lại. Nhưng đến lúc gặt người nông dân phải xắn tay áo lên. Lão Tử nói: “Đạo không bao giờ dùng sự ép buộc nhưng không có gì mà Đạo không thể làm được”.

Nếu chúng ta cứ thuận theo tự nhiên thì mọi việc sẽ suôn sẻ. Nhiệm vụ của người nông dân là gieo hạt, nhiệm vụ của hạt giống là phát triển thành cây trồng và sau đó nhiệm vụ của người nông dân là thu hoạch khi đã sẵn sàng. Đây là cách thiên nhiên hoạt động tối ưu.

Lão Tử tin rằng thế giới không thể bị điều khiển, nó tự vận hành. Nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Cố gắng kiểm soát nó luôn thất bại. Và việc dành cả cuộc đời để chống lại thiên nhiên là lãng phí thời gian, cho dù mọi người có tôn vinh chúng ta đến mức nào cho nỗ lực kiểu người hùng như vậy.

Thay vì tiêu tốn năng lượng cuộc sống của mình để cố gắng kiểm soát, chi phối và thay đổi tiến trình tự nhiên của mọi thứ, tốt hơn hết chúng ta nên chấp nhận những gì đang có và điều hướng nó như dòng nước chảy qua bề mặt đá hướng về đại dương.

Đạo Đức Kinh nói: "Một số sinh ra để lãnh đạo, và một số khác sinh ra để tuân theo; Một số luôn phải căng thẳng, còn một số khác thì thấy thoải mái; Một số vốn sinh ra đã to lớn và khỏe mạnh, còn một số khác thì luôn nhỏ bé; Một số sẽ được bảo vệ và nuôi dưỡng, và số khác sẽ gặp phải sự hủy diệt".

Bậc thầy chấp nhận mọi sự như chúng vốn là, và vì lòng từ bi mà tránh xa sự xa hoa, thái quá và cực đoan. Khi chúng ta đi sâu hơn vào ý nghĩa của vô vi, nó càng trở nên hấp dẫn hơn. Hãy giả sử định nghĩa chính xác nhất của nó là “hành động không cần nỗ lực”. Trái ngược với các cách dịch thông thường như “không hành động”“không làm gì cả”, nó ám chỉ việc chủ động và luôn theo dòng chảy, mặc dù kết quả thì như nhau, đó là: “để mọi việc diễn ra theo tự nhiên”.

Với hành động không cần nỗ lực, chúng ta có thể nói rằng chúng ta không “làm” mà là “tiến lên”. Chúng ta dấn thân vào một dòng sông mà không cần cân nhắc xem nó sẽ đưa mình đến đâu: chúng ta đang căng buồm tiến vào vùng đất chưa được khám phá, nhưng đừng để những điều chưa biết làm chúng ta bối rối.

Chúng ta bơi theo dòng nước, không bơi ngược dòng, điều đó làm cho con đường của chúng ta suôn sẻ, không bị va vấp và rắc rối. Bơi ngược dòng cần nỗ lực; việc bám vào một tảng đá cũng vậy. Khi chúng ta ép buộc mọi việc, vấn đề sẽ nảy sinh.

Ví dụ về một cuộc hẹn hò. Người mà bạn sắp gặp, chỉ quan tâm đến một điều: làm quen với bạn. Nhưng nhiều người lại chuẩn bị kỹ lưỡng, phân tích kỹ lưỡng và diễn tập kỹ lưỡng những gì họ sắp nói. Và thế là sự căng thẳng xuất hiện; mọi người chuẩn bị quá mức, thiếu trung thực và bị coi là dàn dựng.

Tại sao điều này lại xảy ra? Rất có thể là do chúng ta tập trung quá nhiều vào kết quả. Trang Tử nói về việc những kỳ vọng khác nhau có thể ảnh hưởng đến hành động và trạng thái cảm xúc của chúng ta như thế nào nếu chúng ta quá quan tâm đến chúng.

Trong bối cảnh của một buổi hẹn hò, hầu hết chúng ta đều mong muốn buổi hẹn hò thành công; chúng ta muốn người khác thích chúng ta. Vì vậy, có áp lực; có một cái giá phải trả và nếu không đạt được nó, chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ. Và như vậy, những gì lẽ ra là một buổi đi chơi vui vẻ, nhưng vui vẻ lại trở thành một sự kiện vất vả, gượng ép, căng thẳng với rất nhiều suy nghĩ lan man và sự chuẩn bị tinh thần từ trước.

Chúng ta đang đứng trên con đường của riêng mình, ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của vũ trụ, điều mà chúng ta không thể kiểm soát được, bất kể chúng ta có dành bao nhiêu suy nghĩ và kế hoạch cho nó.

Nhưng hãy tưởng tượng rằng, bạn bắt đầu một ngày hoàn toàn không chuẩn bị trước, thậm chí không hề biết nó sắp đến. Bây giờ bạn đang hành động một cách tự nhiên trong khoảnh khắc hiện tại, vì bạn chưa có cơ hội để suy nghĩ quá nhiều. Không có thời gian để lập kế hoạch, âm mưu, phân tích và tất cả những gì còn lại là bạn, thuần khiết: chỉ có hiện tại và hòa làm một với khoảnh khắc của hiện tại. Và hầu hết mọi người đều thích điều đó.

Vì vậy, nếu chúng ta cố gắng loại bỏ kết quả, chúng ta có thể hành động dễ dàng và phản ứng nhanh hơn, chỉ tập trung vào chính hành động cần làm. Nếu chúng ta đi sâu hơn nữa, chúng ta sẽ đạt đến bản ngã và tánh Không.

Nhờ những kinh nghiệm trong quá khứ, điều kiện xã hội hoặc hệ tư tưởng, chúng ta đã nhào nặn mình thành những con người có hiểu biết, có văn hóa phù hợp với bối cảnh mà chúng ta đang sống. Bối cảnh này có thể là một cộng đồng tôn giáo, một quốc gia hoặc một nghề nghiệp.

Chúng ta thường coi đây là một điều tốt. Nhưng có một nhược điểm và nhược điểm này liên quan đến ‘cái tôi’. Cái tôi thường bóp méo cách chúng ta nhìn nhận thực tế của thế giới.

Ví dụ, khi chúng ta tiếp cận một tình huống, một cuộc trò chuyện với người bạn đời, cái tôi có xu hướng lấp đầy những khoảng trống chưa biết bằng đủ loại định kiến, tưởng tượng và niềm tin. Cái tôi càng lớn thì nó sẽ càng chi phối tình hình, sau đó khiến chúng ta không thể tiếp cận được những gì đang thực sự diễn ra.

Vì vậy, những người có niềm tin mạnh mẽ gặp khó khăn lớn khi nhìn thế giới dưới một góc nhìn khác - hoặc bên ngoài giới hạn của nhà tù trí tuệ của họ. Do đó, Lão Tử kêu gọi chúng ta quay trở lại trạng thái ban đầu thuần khiết, trạng thái mà ông gọi là “khối chưa được chạm khắc”.

Chúng ta có thể coi “khối chưa được chạm khắc” là một người không bị cản trở bởi mọi loại “hành lý” trí tuệ, vì vậy tầm nhìn của chúng ta về thế giới trở nên rõ ràng.

Tiến sĩ Woei-Lien Chong, một triết gia và nhà Hán học người Hà Lan, giải thích cách bà hiểu về vô vi trong một cuốn sách tiếng Hà Lan về triết học Đạo giáo, nhấn mạnh đến yếu tố ‘trống rỗng’ hay ‘cởi mở’.

Bà mô tả bản chất của việc thực hành vô vi như sau: “Và như vậy, toàn bộ hành giả có thể, xuất phát từ tâm vô ngã trong sáng của mình, quan sát tất cả các mối liên kết trong một tình huống nhất định đúng như bản chất của chúng, không bị bóp méo, nhờ vậy ta có thể phản ứng với chúng một cách hoàn hảo.”

Vì vậy, nếu chúng ta nhìn vô vi theo cách này, nó không chỉ là buông bỏ, thuận theo dòng chảy của tự nhiên, cho phép vũ trụ thực hiện công việc của nó: đó là một bước đi táo bạo hơn nhiều, mà chúng ta cần rất nhiều can đảm. Chúng ta phải đủ can đảm để từ bỏ những gì đã học được, vứt bỏ những khuôn khổ, quy chuẩn của mình vào sọt rác và xả sạch những định kiến của mình qua bồn cầu.

Hay như Lão Tử đã nói: “Từ bỏ tri thức (những gì đã biết) và các vấn đề của bạn sẽ chấm dứt. Sự khác biệt giữa có và không là gì? Sự khác biệt giữa thiện và ác là gì? Bạn có phải sợ điều người khác sợ không? Tất cả đều vô nghĩa, hãy xem bạn đã bỏ lỡ mục tiêu của mình đến thế nào!”.

Trang Tử kể cho chúng ta câu chuyện về cuộc trò chuyện giữa Khổng Tử và một trong những học trò của ông là Nhan Hồi. Nhan Hồi muốn du hành đến nước Ngụy sau khi nghe về nhiều vấn đề và sự cai trị hà khắc của nước này. Vì vậy, ông đã lên kế hoạch sử dụng kiến thức và trí tuệ của mình để thuyết giảng cho vua nước Ngụy và lèo lái nước Ngụy đi đúng hướng.

Khổng Tử đã thuyết phục Nhan Hồi đừng làm điều đó, nói với ông rằng kế hoạch của ông quá ích kỷ (chỉ dựa vào quan điểm cá nhân và lợi ích của bản thân) và sẽ không thành công. Rốt cuộc, không ai chờ đợi một người ‘biết tuốt’ xuất hiện, chỉ cho bạn cách quản lý công việc kinh doanh của mình chứ đừng nói đến một kẻ bạo chúa chỉ quan tâm đến bản thân.

Tuy nhiên, Khổng Tử vẫn đưa ra một giải pháp thay thế, mà ông gọi là ‘tâm nhịn ăn’. Khổng Tử mô tả ‘tâm nhịn ăn’ như một hình thức thiền định, giúp chúng ta buông bỏ những định kiến và nhường chỗ cho việc tiếp nhận. Với thái độ cởi mở và dễ tiếp thu, Nhan Hồi sẽ tìm hiểu về nước Ngụy và vị vua của nước này, phong tục và tín ngưỡng của họ, tình hình diễn ra và cuối cùng có khả năng giúp đỡ nhiều hơn.

Với sự hiểu biết về vô vi này, chúng ta buông bỏ bản ngã để hành động phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta để mọi việc xảy ra và hành động một cách phù hợp, không bị kiềm chế bởi những ý tưởng hạn hẹp và định kiến của mình. Hay như Lão Tử đã nói: chúng ta trở lại là ‘những khối chưa được chạm khắc’.

Hay theo Trang Tử:  “Vô vi là cách hành động với sự nhận thức không bị giới hạn và phản hồi phù hợp nhất, nó bắt nguồn từ sự cởi mở và trong sáng bên trong chính bạn, là một với hơi thở của vũ trụ”.

Nguồn: EINZELGANGER - MakeBetter lược dịch