"Winter is coming!" - Làm thế nào để vượt qua khi mùa đông đến

"Winter is coming!" - Làm thế nào để vượt qua khi mùa đông đến
Photo by Alexander Hafemann / Unsplash

"Winter is comming!" - là một câu nói nổi tiếng trong bộ phim truyền hình rất nổi tiếng và ăn khách "Cuộc chiến Vương quyền" trên kênh truyền hình HBO của Mỹ - ý muốn nói đến một khó khăn cực đại đang tiến gần về phía chúng ta, đe doạ sự tồn tại của chúng ta. Trên cuộc đời này không thiếu những thử thách như vậy khi chúng ta dấn thân để khám phá cuộc sống. Khởi nghiệp cũng là một cuộc thám hiểm cuộc sống của những nhà sáng lập.

Dưới đây là một câu chuyện có thật, nó truyền cảm hứng và gợi ý cho chúng ta những phương pháp, hành động để vượt qua những thử thách cực đại mà chúng ta có thể phải đối mặt.

Một trong những câu chuyện sống sót đặc sắc nhất trong lịch sử

Tháng 10/1915, nhà thám hiểm lớn người Anh, Sir Ernest Henry Shackleton hạ lệnh mọi người rời khỏi con tàu Endurance, vốn đã bị kẹt trên một băng trôi ở Nam cực trong hơn 8 tháng và bắt đầu tan chảy. Với Shackleton, điều này có nghĩa là về cơ bản ông phải từ bỏ giấc mơ dẫn đầu đoàn người trong chuyến thám hiểm băng qua đất liền đầu tiên ở lục địa Nam cực. Đây là đỉnh điểm của sự nghiệp lừng lẫy của ông với tư cách một nhà thám hiểm, nhưng lúc này một trách nhiệm lớn hơn nhiều đè nặng trên tâm trí ông - làm cách nào để đưa 27 người trong đoàn thám hiểm quay về nhà an toàn. Bây giờ, cuộc sống của họ phụ thuộc vào những quyết định được đưa ra hằng ngày của ông.

Khi nhận ra mục tiêu này, ông đối mặt với nhiều trở ngại: Thời tiết mùa đông khắc nghiệt sắp sửa tấn công họ, những dòng nước trôi giạt có thể kéo tảng băng nổi mà họ phải dựng trại bên trên, theo bất kỳ hướng nào. Họ đối mặt với những ngày sắp tới sẽ không có chút ánh sáng nào, nguồn thực phẩm đang cạn dần, không liên lạc được với bất kỳ sóng vô tuyến nào hoặc con tàu nào có thể giúp họ.

Nhưng nguy cơ lớn nhất, điều khiến ông lo sợ nhất, là tinh thần của mọi người. Tất cả những gì nó cần là một vài sự bất mãn để lan tỏa sự oán giận và tiêu cực; chẳng bao lâu nữa người của ông sẽ không còn hăng hái làm việc; họ sẽ không lắng nghe ông và đánh mất niềm tin vào sự lãnh đạo của ông. Khi điều đó xảy ra, mỗi người sẽ chỉ nghĩ tới bản thân mình, và trong hoàn cảnh này, nó có thể dễ dàng mang tới bệnh tật và cái chết. Ông sẽ phải giám sát tinh thần nhóm thậm chí còn chặt chẽ hơn so với thời tiết đang thay đổi.

Điều đầu tiên ông cần làm là vượt lên khó khăn, dẫn đầu và truyền tinh thần đúng mực cho thủy thủ đoàn. Tất cả đều bắt đầu từ người lãnh đạo. Ông sẽ phải che giấu tất cả những ngờ vực và lo sợ của riêng mình.

Buổi sáng đầu tiên trên tảng băng trôi, ông trở dậy sớm hơn bất cứ người nào và chuẩn bị một bữa tiệc trà nóng đặc biệt hoành tráng. Khi ông đích thân phục vụ trà cho mọi người, ông cảm thấy họ đang nhìn ông như để thăm dò về tình cảnh khó khăn của họ, vì thế ông giữ cho tâm trạng thoải mái pha lẫn với chút khôi hài khi nói về ngôi nhà mới của họ và bóng tối sắp đến. Đây không phải là thời điểm thích hợp để thảo luận những ý tưởng của ông về cách thoát khỏi tình cảnh rối ren này. Điều đó sẽ khiến cho họ quá lo lắng. Ông sẽ không nói ra thành lời sự lạc quan của ông đối với những cơ may của họ mà sẽ để cho họ cảm nhận nó trong thái độ và ngôn ngữ cơ thể của ông, thậm chí nếu ông phải giả vờ như thế.

Tất cả đều biết họ sẽ bị mắc kẹt ở đó trong mùa đông sắp tới. Điều họ cần là sự phân tâm, một điều gì đó xâm chiếm tâm trí họ và giữ vững tinh thần của họ. Vì mục đích đó, mỗi ngày ông vạch ra một bảng phân công nhiệm vụ cho từng người. Ông cố hoán đổi nó càng nhiều càng tốt, chuyển những người xung quanh vào nhiều nhóm khác nhau và bảo đảm rằng họ không bao giờ làm cùng một công việc quá thường xuyên. Có một mục tiêu đơn giản để hoàn thành cho từng ngày - săn một vài con chim cánh cụt hoặc hải cẩu, vác về lều thêm một số thực phẩm đã dự trữ từ con tàu, dựng một nơi cắm trại tốt hơn. Vào cuối ngày, họ có thể ngồi quanh đống lửa trại và cảm thấy họ đã làm được gì đó để giúp cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn chút ít.

Trong lúc ngày tháng cứ trôi, ông điều chỉnh thêm sự hòa hợp sâu sắc cho tâm trạng đang chuyển biến của mọi người. Quanh đống lửa trại, ông thường đi tới từng người và trò chuyện với anh ta. Với những nhà khoa học ông nói về khoa học, với những dạng có đầu óc nghệ thuật hơn ông nói về những nhà thơ và nhạc sĩ ông ưa thích nhất. Ông thâm nhập vào tinh thần cụ thể của họ và đặc biệt chú ý tới bất kỳ vấn đề nào họ đang trải qua. Người đầu bếp có vẻ đặc biệt buồn phiền, cho rằng lẽ ra ông ta nên giết con mèo cưng của mình, họ không còn thức ăn để nuôi nó.

Shackleton tình nguyện làm việc đó giùm ông ta. Rõ ràng là nhà vật lý trong đoàn đang gặp khó khăn với việc lao động vất vả; ban đêm ông ta ăn chậm rãi và thở dài mệt nhọc. Khi nói chuyện với ông ta, Shackleton có thể cảm thấy tinh thần của ông ta đang xuống thấp sau ngày làm việc. Shackleton thay đổi bảng phân công để giao cho ông ta những công việc nhẹ hơn nhưng quan trọng tương đương để không làm cho ông ta cảm thấy giống như mình đang trốn việc.

Ông nhanh chóng nhận ra vài kết nối lỏng lẻo trong nhóm. Đầu tiên là Frank Hurley, nhiếp ảnh gia của đoàn. Anh ta giỏi trong chuyên môn của mình và không bao giờ than phiền về việc đang làm những chuyện lặt vặt của người khác, nhưng anh ta là một người cần cảm thấy mình quan trọng. Anh ta có xu hướng hợm mình. Vì thế trong những ngày đầu tiên trên tảng băng trôi, Shackleton lưu ý tới việc hỏi ý kiến Hurley về tất cả mọi vấn đề quan trọng, chẳng hạn những kho chứa lương thực, và khen ngợi những ý kiến của anh ta. Ngoài ra ông còn chỉ định Hurley tới ở trong lều của mình; cả hai việc này khiến Hurley cảm thấy mình quan trọng hơn những người khác và giúp Shackleton dễ dàng theo dõi anh ta hơn.

Người lái tàu, Huberht Hudson, để lộ ra anh ta rất quan tâm tới chính mình và là một người rất dở lắng nghe. Anh ta cần thường xuyên được chú ý. Shackleton nói chuyện với anh ta nhiều hơn với bất kỳ người nào khác và cũng đưa anh ta về lều của ông.

Nếu có những người khác bị ngờ là những kẻ ái kỷ ngấm ngầm, ông phân họ ra những túp lều khác nhau, làm loãng đi tầm ảnh hưởng có thể có của họ.

Khi mùa đông ập tới, ông càng chu đáo hơn. Vào những thời khắc nhất định, ông có thể cảm thấy sự chán nản của mọi người trong cách họ hành xử, hoặc trong việc họ ngày càng ít trò chuyện với người khác. Để chống lại điều này, ông tổ chức những sự kiện thể thao trên mặt băng trong những ngày không có mặt trời và những cuộc tiêu khiển vào ban đêm - âm nhạc, những trò chơi khăm cho vui, kể chuyện.

Mỗi ngày nghỉ lễ được tiến hành kỹ lưỡng, với một bữa tiệc to dành cho mọi người. Theo cách nào đó, những ngày trôi giạt vô tận được lấp đầy với những sự kiện nổi bật, và không lâu sau đó ông bắt đầu nhận thấy một điều đáng chú ý: Mọi người vui vẻ một cách rõ rệt và thậm chí còn thích thú với những thách thức của cuộc sống trên tảng băng trôi.

Rồi đến một lúc, tảng băng trôi họ đang sống bên trên đã trở nên nhỏ đi một cách nguy hiểm, và do đó ông lệnh cho mọi người vào ba chiếc thuyền cứu sinh nhỏ mà họ đã lấy từ con tàu Endurance. Họ cần di chuyển tới đất liền. Ông giữ cho những chiếc thuyền ở gần nhau, và đương đầu với biển cả hung tàn, họ cố xoay xở để đổ bộ lên đảo Elephant gần đó, tại một bãi biển hẹp.

Hôm đó, khi ông khảo sát hòn đảo, rõ ràng theo một số cách, những điều kiện trên đó còn tệ hơn trên tảng băng trôi. Thời gian đã chống lại họ. Cũng trong ngày hôm đó, Shackleton ra lệnh chuẩn bị một chiếc thuyền để tiến hành một nỗ lực liều lĩnh nhất nhằm đi tới một nơi có thể đổ bộ và có người ở trong khu vực - đảo South Georgia, cách đó khoảng tám trăm dặm (gần 1.300km) về hướng đông bắc. Cơ may để làm được điều này rất mỏng manh, nhưng mọi người không thể sống sót lâu trên đảo Elephant, vì nó phơi mình ra trước biển và khan hiếm thú để săn.

Ngoài chính mình, Shackleton phải cẩn thận chọn ra năm người khác cho chuyến đi này. Một người trong số đó, Harry McNeish, là một chọn lựa rất kỳ quặc. Ông ta là thợ mộc của con tàu và là người già nhất thủy thủ đoàn, 57 tuổi. Ông ta có thể gắt gỏng và không mấy ưa công việc vất vả. Dù đây sẽ là chuyến đi rất gian khổ trong chiếc thuyền nhỏ, Shackleton rất lo ngại không muốn để ông ở lại.

Shackleton giao cho ông ta trách nhiệm chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết trên thuyền cho chuyến đi. Với công việc này, ông ta sẽ cảm thấy có trách nhiệm cá nhân đối với sự an toàn của chiếc thuyền, và trong cuộc hành trình, tâm trí của ông ta sẽ tiếp tục tập trung vào việc theo dõi sức chịu đựng sóng gió của chiếc thuyền.

Trong chuyến đi, ông nhận thấy tinh thần của McNeish đang suy sụp, và đột nhiên ông ta ngừng chèo thuyền. Shackleton cảm thấy sự nguy hiểm - nếu ông trách mắng McNeish hay ra lệnh cho ông ta chèo, chắc chắn ông ta sẽ chống đối mạnh mẽ hơn, và với rất ít người hợp sức với nhau trong suốt nhiều tuần, với rất ít thực phẩm, việc này có thể gây ra tai hại lớn.

Để ứng phó với tình huống này, ông dừng thuyền lại và hạ lệnh đun nóng sữa cho mọi người. Ông bảo rằng tất cả họ đều đang mệt, kể cả ông, và họ cần củng cố lại tinh thần. McNeish thoát khỏi sự bối rối vì không cảm thấy bị phân biệt đối xử, và trong thời gian còn lại của chuyến hành trình, Shackleton thường xuyên lặp lại mánh khóe này khi cần thiết.

Khi còn cách đích đến vài dặm, một cơn bão bất ngờ đầy họ về phía sau. Trong lúc họ tìm kiếm một cách vô vọng một giải pháp mới để tới được hòn đảo, một con chim nhỏ lơ lửng bên trên, cố đậu lên thuyền của họ. Shackleton cố duy trì sự bình tĩnh thường lệ, nhưng đột nhiên ông đánh mất nó, đứng lên và vừa điên cuồng vung tay về phía con chim vừa nguyền rủa. Hầu như ngay sau đó ông cảm thấy bối rối và ngồi xuống trở lại. Trong suốt 15 tháng ông đã kiểm soát được những thất vọng của mình vì mọi người và giữ vững được tinh thần. Ông đã tạo được một bầu không khí cần thiết. Giờ không phải là lúc quay lại vấn đề này. Vài phút sau ông tự chế nhạo mình và thề sẽ không bao giờ lặp lại một màn kịch như thế, bất kể áp lực thế nào.

Sau cuộc hành trình qua một số điều kiện đại dương tồi tệ nhất trên đời, con thuyền nhỏ xíu xoay xở đề cập bến ở đảo South Georgia, và nhiều tháng sau, với sự giúp đỡ của những thợ săn cá voi đang hoạt động tại đó, toàn bộ những người còn lại trên đảo Elephant được giải cứu.

Khi xem xét những thứ chống lại họ, hoàn cảnh, địa thế không thể chấp nhận được, những chiếc thuyền nhỏ xíu, và những nguồn cung cấp eo hẹp của họ, đó là một trong những câu chuyện sống sót đặc sắc nhất trong lịch sử.

Dần dà, vai trò lãnh đạo của Shackleton được lan truyền rộng khắp. Như sau đó Sir Edmund Hillary, nhà thám hiểm đã tóm tắt: “Vì sự lãnh đạo khoa học hãy cho tôi Scott. Vì sự di chuyển mau lẹ, hiệu quả hãy cho tôi Amundsen. Nhưng khi bạn ở trong một tình huống vô vọng, khi dường như không còn đường thoát, hãy quỳ xuống và cầu nguyện để có Shackleton”.

Phân tích

Khi Shackleton nhận ra chính ông phải chịu trách nhiệm cho mạng sống của rất nhiều người trong tình thế tuyệt vọng như thế, ông hiểu điều gì sẽ xác định sự khác biệt giữa sống và chết: thái độ của mọi người. Đây không phải là một thứ hữu hình. Nó hiếm khi được thảo luận hay phân tích trong những cuốn sách. Không có cuốn cẩm nang huấn luyện nào về chủ đề này cả. Thế nhưng nó là yếu tố quan trọng nhất. Một chút sụt giảm trong tinh thần của họ, một số rạn nứt trong khối đoàn kết của họ sẽ khiến cho việc đưa ra những quyết định đúng đắn trở nên rất khó khăn trong tình cảnh khốn cùng như thế.

Một nỗ lực để thoát khỏi tảng băng trôi, được thực hiện với sự nôn nóng và áp lực từ một vài người chắc chắn sẽ dẫn tới cái chết. Thật sự, Shackleton đã bị ném trở lại điều kiện nguyên sơ, cơ bản nhất của con người - động vật - một nhóm gặp nạn, dựa vào nhau để sống sót.

Chính trong những tình huống như thế những tổ tiên xa xôi nhất của chúng ta đã phát triển những kỹ năng xã hội cao hơn, khả năng phi thường của con người để đọc được tâm trạng và tâm trí của những người khác, và để hợp tác. Và trong những tháng không có mặt trời trên tảng băng trôi, bản thân Shackleton đã tái phát hiện những kỹ năng cảm thông cổ xưa này, vốn nằm ngủ im trong tất cả chúng ta, vì ông phải làm điều đó.

Cách Shackleton tiến hành công việc này sẽ phục vụ như một hình mẫu cho tất cả chúng ta.

Đầu tiên, ông hiểu thái độ của chính ông giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong công việc này. Người lãnh đạo tác động tới nhóm với cách tư duy của ông ta. Phần lớn việc này xảy ra ở cấp độ không dùng lời nói, vì mọi người tiếp thu dựa vào ngôn ngữ cơ thể và sắc thái giọng nói của người lãnh đạo. Shackleton thấm đẫm vẻ tự tin và lạc quan hoàn toàn; và quan sát điều này tác động ra sao tới tinh thần của mọi người.

Thứ hai, ông phải chia đều sự chú ý của mình cho từng cá nhân và cả nhóm. Với nhóm, ông giám sát các mức độ trò chuyện trong những bữa ăn, số lời nguyền rủa mà ông nghe thấy trong lúc làm việc, tâm trạng lên cao ra sao khi một cuộc giải trí bắt đầu. Với các cá nhân, ông đọc trạng thái cảm xúc của họ trong giọng nói, họ ăn nhanh ra sao, họ rời khỏi giường chậm ra sao. Nếu hôm đó ông để ý thấy một tâm trạng đặc biệt, ông sẽ cố dự đoán điều họ có thể thực hiện bằng cách đặt chính mình vào tâm trạng tương tự. Ông tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào của sự nản lòng hay bất an trong những lời nói và cử chỉ của họ. Ông phải đối xử với mỗi cá nhân khác nhau, tùy vào tâm lý riêng biệt của anh ta. Ông cũng phải thường xuyên điều chỉnh sự suy đoán của mình, vì tâm trạng của mọi người chuyển biến rất nhanh.

Thứ ba, khi phát hiện ra bất kỳ sự sa sút tinh thần hay trạng thái tiêu cực nào, ông phải từ tốn. Việc trách mắng sẽ chỉ khiến cho mọi người cảm thấy xấu hổ và bị phân biệt đối xử, vốn sẽ dẫn tới các hậu quả dễ lây lan tới cả nhóm. Tốt hơn nên trò chuyện với họ để thâm nhập suy nghĩ của họ, và tìm ra những cách gián tiếp nhằm động viên tinh thần của họ hoặc cách ly họ mà không để cho họ nhận ra điều ông đang làm. Khi thực hành điều này, Shackleton nhận ra ông đã trở nên giỏi hơn tới mức nào. Với một cái nhìn lướt qua vào buổi sáng, ông hầu như có thể dự đoán mọi người sẽ hành động ra sao trong suốt cả ngày. Một số thành viên trong đoàn đã nghĩ ông là một nhà ngoại cảm.

Thấu hiểu

Hoàn cảnh bắt buộc khiến chúng ta phát triển những khả năng cảm thông này. Nếu cảm thấy sự sống còn của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta đo lường tâm trạng và tâm trí của những người khác giỏi như thế nào, khi đó chúng ta sẽ tìm ra tiêu điểm cần thiết và vận dụng các khả năng.

Thông thường, chúng ta không cảm thấy nhu cầu đối với điều này. Chúng ta tưởng tượng rằng ta hiểu rất rõ những người ta tiếp xúc. Cuộc sống có thể khắc nghiệt và chúng ta có quá nhiều công việc khác phải làm. Chúng ta lười nhác và thích dựa vào những phán xét đơn giản. Nhưng trong thực tế, đây là một vấn đề sống chết và thành công của chúng ta tùy thuộc vào sự phát triển của các kỹ năng này. Đơn giản, chúng ta không ý thức về điều này là vì ta không nhìn thấy sự liên kết giữa các rắc rối trong cuộc sống của ta với việc ta thường xuyên hiểu sai tâm trạng, dự định của mọi người, và những cơ hội liên tục bị bỏ lỡ vốn nảy sinh từ điều này.

Vì vậy bước đầu tiên là bước quan trọng nhất: Nhận ra bạn có một công cụ xã hội đặc biệt mà bạn không hề vun bồi. Cách tốt nhất để nhìn thấy điều này là hãy cố thử nó. Hãy dừng cuộc độc thoại nội tâm liên miên không dứt của bạn lại và chú ý tới mọi người một cách sâu sắc hơn. Hòa nhập bản thân bạn vào những tâm trạng luôn chuyển biến của các cá nhân và nhóm. Đọc hiểu tâm lý cụ thể của từng cá nhân và những thứ thôi thúc họ. Cố nắm bắt quan điểm của họ, bước vào thế giới và hệ giá trị của họ. Bạn sẽ bất ngờ trở nên ý thức về sự tồn tại của một thế giới của những hành vi không cần tới lời nói mà bạn chưa từng biết tới, như thể giờ đây đột nhiên đôi mắt của bạn có thể nhìn thấy tia tử ngoại. Một khi ý thức về khả năng này, bạn sẽ cảm thấy tầm quan trọng của nó và thức tỉnh trước những khả năng xã hội khác.

"Tôi không hỏi kẻ bị thương rằng y cảm thấy thế nào... Bản thân tôi trở thành kẻ bị thương." - Whitman

Nguồn: Make Better team sưu tầm và tổng hợp